Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc lùi thông qua nghị quyết được thông báo tới đại biểu (ĐB) vào cuối phiên họp sáng qua. ĐB đã thảo luận rất kỹ vì đây là nghị quyết rất quan trọng.
Thời gian qua, cử tri, nhân dân đồng tình, hoan nghênh, coi đây là hình thức giám sát rất quan trọng của Quốc hội và cơ quan dân cử với những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn.
Tuy nhiên là lần đầu lấy phiếu nên còn bất cập, vướng mắc. Quốc hội quyết định sơ kết, sửa đổi, bổ sung, để nghị quyết hoàn thiện hơn.
Thưa ông, lý do Quốc hội lùi thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi đến kỳ họp cuối năm là gì?
ĐB Quốc hội thấy rằng, lần này cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ hơn, để việc sửa đổi đảm bảo chất lượng tốt hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn trong cử tri và ĐB. Cho nên Quốc hội quyết định lùi lại, chưa thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi tại kỳ họp này, để chuyển sang kỳ sau.
Tuy nhiên, Quốc hội xác định mục tiêu quan trọng, đó là: vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương lấy phiếu, bỏ phiếu tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, và kỳ họp cuối năm nay vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Vậy cuối năm nay Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 hay nghị quyết sửa đổi?
Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn theo đúng tinh thần Nghị quyết 35. Tức là, đối tượng lấy phiếu vẫn như cũ, trên phiếu giữ nguyên 3 mức tín nhiệm là: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Dự kiến tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35, tuy nhiên, nghị quyết này sẽ không thể có hiệu lực ngay tại kỳ họp thứ 8, do cần ít nhất 45 ngày để làm các thủ tục cần thiết trước khi có hiệu lực.
Do vậy, việc lấy phiếu tại kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện theo Nghị quyết 35 như vừa qua.
Những vấn đề ĐB thảo luận và muốn được sửa đổi Nghị quyết 35 tại kỳ họp này có gì đáng lưu ý, thưa ông?
Cơ bản vẫn là đối tượng, cụ thể ĐB muốn có thêm đối tượng lấy phiếu là lãnh đạo các sở, ngành ở địa phương; số lần lấy phiếu trong nhiệm kỳ; mức tín nhiệm trên phiếu và hệ quả của việc lấy phiếu cũng được các ĐB nêu ra để sửa đổi hợp lý hơn.
Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh vấn đề biển Đông
Trả lời câu hỏi một số ĐB đề nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về biển Đông, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết: Từ đầu kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ, rất công khai, ngay sau đó có thông báo tuyên bố rõ lập trường của chúng ta về vấn đề này.
Trong kỳ họp, Ủy ban Đối ngoại có công hàm gửi Quốc hội, nghị sỹ các nước nêu rõ yêu cầu, quan điểm của Việt Nam về vấn đề biển Đông. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ một lần nữa nhấn mạnh lập trường về vấn đề biển Đông để cử tri, nhân dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế nắm rõ, đồng tình ủng hộ.