Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong, 72 người bị thương và thiệt hại rất nhiều tài sản, gây ám ảnh nỗi sợ hãi không chỉ đối với những nạn nhân và gia đình ở chính chung cư này mà còn cả với cộng đồng. Dù có xử phạt người gây ra thảm họa hay bồi thường thiệt hại đến đâu thì vẫn không bù đắp được những mất mát mà các nạn nhân phải gánh chịu.
Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về sự bất an của nơi mình đang sống. Suốt 5 năm qua, nỗi ám ảnh đó vẫn chưa nguôi trong lòng cư dân ở chung cư Carina Plaza nói riêng và các cư dân ở chung cư, nhà cao tầng nói chung. Vì rằng, tình trạng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn vẫn chưa được khắc phục triệt để và luôn ẩn hiện ở đâu đó.
Khi trả lời hội đồng xét xử, một bị cáo là cựu cán bộ chịu trách nhiệm công tác phòng cháy chữa cháy tại chung cư Carina Plaza cho biết, đã nhiều lần kiểm tra và từng phát hiện hệ thống phòng cháy chữa cháy của chung cư không đảm bảo yêu cầu và cũng không hoạt động. Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai phạm, thay vì yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành khắc phục triệt để, người có chức trách chỉ tiến hành xử phạt rồi… bỏ mặc. Vì không hậu kiểm nên không biết việc khắc phục lỗi có được thực hiện hay không, và nếu khắc phục thì có đạt yêu cầu chưa...
Nhìn từ vụ việc của chung cư Carina Plaza, có thể thấy, nguy cơ xảy ra thảm họa không chỉ do chính hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo yêu cầu, mà còn bởi sự tắc trách, vô cảm của chủ đầu tư, những người có trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành chung cư.
Với cả “rừng” tòa cao ốc, chung cư cao tầng đang hiện diện khắp nơi trong đô thị cả chục triệu dân như TPHCM hay các đô thị khác, không ai biết được có bao nhiêu tòa nhà và cụ thể tòa nhà nào có hệ thống phòng cháy chữa cháy có được đảm bảo và những người được giao nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy nơi đó có làm tròn trách nhiệm của mình hay không.
Không ít nơi, các cơ quan chức năng luôn nói rằng thường xuyên, định kỳ kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà và lần nào cũng được xác định đảm bảo yêu cầu. Song, khi hỏa hoạn xảy ra với hậu quả thảm khốc thì mọi người mới “té ngửa” vì hệ thống phòng cháy chữa cháy ở nơi đó không đảm bảo yêu cầu, thậm chí các lối thoát hiểm bị bịt kín. Vụ hỏa hoạn tại một nhà hàng karaoke ở Bình Dương hồi năm trước khiến 32 người thiệt mạng là một ví dụ tiêu biểu. Đó cũng là lý do khiến cộng đồng luôn cảm thấy bất an và ám ảnh.
Những cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc quản lý, nghiệm thu chất lượng trang thiết bị, kiểm tra hệ thống PCCC tại các chung cư, tòa nhà cũng không vô can trước những mất mát và nỗi ám ảnh của người dân.