Sản xuất trở lại
Tại buổi họp báo công bố kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho hay, đã phải chịu đựng rất nhiều trong suốt 89 ngày qua, kể từ khi cơn bão liên quan gian lận xuất xứ ập đến với Asanzo. Trong 89 ngày đó, có những lúc ông đã cho rằng, mọi thứ đã kết thúc. “Nhưng những lúc khó khăn ấy lại là lúc tôi nhìn thấy hy vọng được minh oan từ sự công tâm của các đoàn kiểm tra”, ông Tam chia sẻ.
Theo thông tin mà Asanzo cung cấp cho báo chí, công ty "được minh oan" căn cứ vào hai văn bản của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, ngày 1/8/2019, Tổng Cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Căn cứ thứ hai để Asanzo nói được minh oan là dựa vào văn bản làm việc của Tổ công tác thuộc VCCI xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa của Asanzo. Theo đó, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Ông Tam cho hay, dù sóng gió nhưng ông sẽ không bỏ cuộc. Asanzo cũng sẽ hướng thành một công ty trong ngành tiêu dùng, đồ điện tử trong 5 năm tới…
Cơ quan quản lý không kết luận
Sau phần thuyết trình của lãnh đạo Asanzo, ông Trần Đức Hoàng, Luật sư thuộc công ty tư vấn pháp lý cho Asanzo đứng ra trả lời hầu hết các câu hỏi của báo chí. Ông Hoàng cho hay, Asanzo đang có 3 cáo buộc liên quan đến giả xuất xứ, vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng. Về những vấn đề liên quan nộp thuế cũng như việc 14 công ty đối tác làm ăn của Asanzo đột nhiên biến mất, ông Hoàng cho rằng, Asanzo không có vi phạm về thuế và công ty luôn mong muốn được đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Dù không trả lời trực tiếp câu hỏi của PV Tiền Phong xung quanh việc Asanzo căn cứ vào hai văn bản của cơ quan quản lý (một của Tổng cục Quản lý thị trường và một văn bản buổi làm việc với tổ công tác VCCI) có đủ căn cứ pháp lý để kết luận và tuyên bố Asanzo được minh oan mà không có sự chứng kiến của các cơ quan quản lý tại cuộc họp báo, ông Hoàng cho rằng, với hai văn bản trên, hiện tại chưa có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kết luận ông Tam hay Asanzo có vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo đã quy kết?
Khi PV Tiền Phong nhắc lại câu hỏi “hai văn bản này có đủ bằng chứng để khẳng định Asanzo được minh oan không?”, đại diện pháp lý cho Asanzo tiếp tục lặp lại câu trả lời về việc đến nay chưa có cơ quan nào kết luận Asanzo sai. Khi được hỏi tiếp về việc không có cơ quan quản lý nào kết luận Asanzo sai vậy sao công ty lại phải đưa ra thông điệp “được minh oan”, ông Phạm Văn Tam liền trả lời thay phần luật sư và cho rằng, phải làm điều này vì đã có cơ quan báo chí nói công ty gian lận xuất xứ.
Bộ trưởng Tài chính: phải chờ thêm!
Liên quan việc họp báo để “minh oan” của Cty CP Tập đoàn Asanzo, ngày 17/9, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) Đinh Tiến Dũng, cho biết hiện tại, Thủ tướng vẫn chưa ký quyết định cuối cùng kết luận vụ việc, phải chờ thêm. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng xác nhận thông tin này.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỏ ra khá ngạc nhiên về việc Asanzo tổ chức họp báo “minh oan”. Ông Thế cho hay: “Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí”.
Về việc Asanzo họp báo công bố được minh oan, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, quản lý thị trường chỉ tham gia xác minh thông tin theo chỉ đạo của Văn phòng thường trực BCĐ 389 về kiểm tra sau thông quan chứ không được lập đoàn thanh kiểm tra và cũng không có thẩm quyền đưa ra kết luận.
“Báo cáo của chúng tôi gửi Văn phòng 389, gửi cơ quan Hải quan, gửi cả cơ quan cảnh sát điều tra để cung cấp thêm thông tin về xác minh các công ty liên quan chứ không kết luận, vì không thuộc thẩm quyền”, ông Linh nói.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, trước đó, ngày 27/8/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh về nội dung trên. Xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Cty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua linh kiện, hàng hóa với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các công ty trên đã bỏ trốn, hoặc không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động...