Trao đổi với PV ngày 4.9, “ông gàn” thừa đam mê với ôtô “made in Vietnam” thẳng thắn chia sẻ nguyên nhân chưa thành công của chính mình.
Theo ông Huyên, ông chẳng có gì sai lầm trong chiến lược xây dựng xe “made in Vietnam” và đã đạt được những thành công bước đầu khi sản xuất xe tải với tỉ lệ nội địa hoá lên tới 40% và thử nghiệm xe du lịch với tỉ lệ nội địa hoá 30%.
Tuy nhiên, ông Huyên thừa nhận đã phải chấp nhận dang dở cuộc chơi vì ngân hàng ngừng cho vay và bị nhiều trang mạng cũng như người tiêu dùng "ném đá".
Liên quan tới vấn đề này, ông Huyên cho rằng đã có những đối thủ chơi xấu tác động nên ngân hàng mới đóng cửa với ông còn việc ông bị nợ quá hạn là do ngân hàng chỉ cho ông vay ngắn hạn chứ nếu cho vay dài hạn thì ông hoàn toàn có thể trả hết nợ.
Chia sẻ về quá trình làm xe “made in Vietnam", ông Huyên cho rằng, ông đã làm việc một cách chuyên nghiệp, bài bản với 2 đề án nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá cao và triển khai các bước đúng với chiến lược của nhà nước.
Dự án đã hoàn thành xong việc xây dựng cơ bản, các sản phẩm xuất xưởng và sản xuất hàng loạt từ năm 2011 – 2012 nhưng đành dang dở do khủng hoảng ập đến từ năm 2010 và ngân hàng cắt vốn lưu động, lại thêm thị trường ôtô ngừng trệ, lãi suất ngân hàng quá cao và năm 2011, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ.
Và vào đúng thời kỳ tiêu thụ xe ô tô phục hồi trở lại thì Vinaxuki bất lực nhìn “miếng bánh” thị trường rơi vào tay các nhà sản xuất, nhập khẩu khác. Ông cũng cho rằng, tâm lý chuộng hàng ngoại và thói quen bài xích những cái mới của người Việt đã ngăn cản ông thành công.
Nhận xét về khả năng chế tạo một chiếc xe mang thương hiệu Việt, ông Huyên cho rằng chỉ cần có khoản vay bằng ¼ số tiền mà Vingroup dự kiến bỏ ra ông cũng có thể chế tạo được cả động cơ ôtô. Do đó, ông Huyên nhận định, Vingroup có thừa cơ sở để thắng lợi với dự án này.
Theo ông Huyên, cái khó khăn nhất của người Việt Nam khi đầu tư vào ngành ôtô là tài chính thì đã được giải quyết dễ dàng vì Vingroup có nền tài chính vững mạnh và lại vay được ngân hàng Thuỵ Sĩ 800 triệu USD với thời hạn không dưới 20 năm.
Bên cạnh đó, địa điểm nhà máy ở Cát Hải được ông Huyên nhận định là thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vì đã có đường mới cầu mới, thêm nữa lại được Hải Phòng ưu đãi cho đất dự án.
Không chỉ vậy, ông Huyên cho rằng, thời điểm để Vingroup gia nhập ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng tốt hơn ông rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước ngày càng rõ ràng và có tác động mạnh mẽ giúp DN chứ không “tù mù như những năm 2008-2009”. Do đó, “tôi tin họ sẽ thắng lợi thôi và nên ủng hộ Việt Nam làm những việc như thế” ông Huyên khẳng định.