Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp vẫn lo nạn nhũng nhiễu

Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên năm 2016 khai mạc sáng 5/12
Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên năm 2016 khai mạc sáng 5/12
TPO - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải gánh nặng các khoản chi trả không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu, thanh kiểm tra chồng chéo...

Số doanh nghiệp thành lập kỷ lục

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên năm (VBF) 2016 sáng 5/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng động doanh nghiệp đánh giá cao Chính phủ thời gian qua trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà cải cách với thông điệp Chính phủ kiến tạo.

Cùng đó, hàng loạt giải pháp cụ thể đã được Chính phủ thực hiện: Trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh tập trung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về 19 (lần thứ 3) về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ra nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu và tầm nhìn cả nhiệm nghị; nghị quyết 36a về chính phủ điện tử…

Theo ông Lộc, những nỗ lực của Chính phủ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. "Năm 2016 này khả năng là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100 ngàn doanh nghiệp mới thành lập. Điều này cho thấy, niềm tin về môi trường kinh doanh đã trở lại", ông Lộc cho biết.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố chỉ số Môi trường kinh doanh trong đó Việt Nam tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. Đây là những minh chứng thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, mà việc giải quyết rốn ráo vụ quán Cà phê  Xin chào ở TPHCM là một ví dụ”- ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đã tập hợp trên 150 vấn đề qua các diễn đàn, đối thoại cần các bộ ngành, Chính phủ giải quyết. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 1/3 các vấn đề này được cơ quan chính phủ xem xét, giải quyết.

Ông Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy quá trình cải cách vẫn còn giai nan. “Vấn đề là làm sao truyền lửa được hành động, quyết tâm của Thủ tướng đến đội ngũ cán bộ công chức cơ sở. Đó là thách thức rất lớn và quyết định thành bại của cải cách”- ông Lộc nói.

Còn nhũng nhiễu, chi phí không chính thức

Theo ông Lộc, thực tế môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt thời gian qua, nhưng so với các nước, ngay cả trong khu vực ASEAN vẫn còn khoảng cách khá lớn. "So với mong muốn của doanh nghiệp lại càng xa", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp hàng loạt vướng mắc trong hoạt động từ vay vốn khó khăn, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…

“Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu, thanh kiểm tra chồng chéo, luôn phải lo chính sách thay đổi, áp dụng và thực hiện không nhất quán”- ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, nhưng quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

“Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong các báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao nhiêu năm vẫn “nằm yên”, vì đó chỉ là thông tư của cấp bộ.

Ông Lộc cho biết, qua quá trình VCCI và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) rà soát độc lập, các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư  chuyển đổi lên nghị định vừa qua, đã phát hiện hàng trăm các vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hoá…

Tại hội nghị ông Lộc cũng cho biết, năm 2017 sắp tới sẽ tiếp tục là một năm  khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.