Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đối thoại với thanh niên. Ảnh: Hoài Văn |
Sáng 28/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chủ trì buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên về lĩnh vực chuyển đổi số. Buổi đối thoại được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 251 điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì sức trẻ, vị trí, vai trò của thanh niên phải được khơi dậy tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của địa phương. Chính quyền tỉnh luôn dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện cho thanh niên có cơ hội thể hiện bản lĩnh, đóng góp xây dựng tỉnh nhà trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng thanh niên cần tiên phong trong chuyển đổi số, bạn trẻ nếu bắt kịp sẽ tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ. |
“Chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số là một nội dung vô cùng quan trọng. Có thể nói đây là con đường để Việt Nam bứt phá, đi tắt đón đầu, bắt kịp với bạn bè năm châu là nhờ vào những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm nỗ lực của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Bạn trẻ tham gia ý kiến tại buổi đối thoại. |
Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, thời gian qua tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, triển khai nhiều mô hình chuyển đổi số. Tiêu biểu như đội hình thanh niên xung kích hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tham gia tổ công nghệ số cộng đồng; hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên và người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử, Chatbot 1022, Smart Quảng Nam, VssID, VNeID,...
Các cấp bộ Đoàn cũng xây dựng bản đồ số các địa chỉ đỏ, gắn mã QR tại di tích văn hóa, lịch sử; hỗ trợ gắn mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng chuyên trang thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, nhất là việc nâng cao kiến thức cho ĐVTN và hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số ở các địa phương miền núi.
Nhiều câu hỏi được đặt ra từ thực tế ứng dụng chuyển đổi số trong ĐVTN. |
Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề được bạn trẻ thẳng thắn đặt câu hỏi đối với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Đó là thực tế ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong điều kiện về sơ cở, vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn, nhất là ở các xã vùng cao biên giới; Sự bùng nổ và phổ biến của internet, các công nghệ kỹ thuật số mang lại nhiều cơ hội cho giới trẻ tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, nhưng cũng đầy rủi ro; Thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn về thu hút vốn, ứng dụng công nghệ...
ĐVTN đưa ra các ý kiến về nguồn nhân lực trẻ, hạ tầng chuyển đổi số vùng cao... Đại diện lãnh đạo sở, ngành trực tiếp giải đáp ý kiến liên quan đến lĩnh vực phụ trách, đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ĐVTN.
Lãnh đạo các sở, ngành trả lời các câu hỏi bạn trẻ đặt ra tại buổi đối thoại. |
Cơ hội của thanh niên trong thời đại chuyển đổi số
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, thanh niên có cơ hội, điều kiện bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này với hành trang căn bản về chuyển đổi số. Việc này đem lại lợi ích cho của quốc gia, địa phương, lợi ích của chính doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
“Chắc chắn không thể nào tách ra khỏi dòng chảy của thời đại. Nếu chúng ta chậm trễ sẽ lạc hậu rất nhanh. Động lực thúc đẩy CMCN này là công cụ về chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, chính quyền số. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển. Tất cả cần thấm nhuần việc này để xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể”, ông Thanh nói.
Quảng Nam quyết tâm cải thiện các chỉ số về mức độ cạnh tranh, đẩy mạnh kinh tế số, xã hội số. |
Vừa qua các chỉ số đo lường về mức độ cạnh tranh của địa phương còn hạn chế, thứ hạng chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ cũng như tiềm năng của địa phương. Ông Thanh yêu cầu các cấp ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn, cải thiện các chỉ số này.
Mỗi người phải trang bị cho mình kiến thức về kinh tế số trong lĩnh vực, hoạt động của mình. Cùng với đó là hạ tầng được đồng bộ để triển khai xã hội số xuống đến từng thôn bản, vùng sâu vùng xa. Các tổ công nghệ cộng đồng cần được duy trì, tập huấn, cập nhật để triển khai phù hợp từng đối tượng...
“Chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành. Việc này không phải chuyện ngày một ngày hai có sản phẩm liền, có thể chuyển đổi được liền, nhưng chúng ta không đi không đến. Mặc dù con đường có thể gập ghềnh, chông gai nhưng đây là xu thế của thời đại, chúng ta không thể đứng ngoài. Chúng ta chậm là chúng ta đứng lại”, ông Thanh nói.
Ông Thanh kêu gọi khát vọng vươn lên và cống hiến của thanh niên Quảng Nam. "Phát triển kinh tế số sẽ là luồng gió mạnh bắt buộc chúng ta phải cuốn theo, làm sao để đưa tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, bền vững hơn."