Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói gì về vấn đề môi trường của dự án nhà máy thép Posco?

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói gì về vấn đề môi trường của dự án nhà máy thép Posco?
TP - Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn của Tiền phong, sau khi Chính phủ đồng ý về chủ trương cho tập đoàn Posco lập dự án nhà máy thép tại vịnh Vân Phong (VVP).

Thưa ông, tỉnh đã có dự định về địa điểm dành cho tập đoàn Posco?

Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tập đoàn Posco đề nghị được quy hoạch chi tiết và đầu tư các nhà máy, khu đô thị, cơ sở hạ tầng… ở toàn bộ bán đảo Hòn Gốm, chứ không chỉ riêng khu vực Đầm Môn.

Để xây dựng nhà máy thép và nhà máy điện, họ xin hết khu vực dự định dành cho cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT).

Nhưng Thủ tướng chỉ đồng ý cho họ lập dự án ở một phần khu vực cảng tiềm năng, từ Hòn Ông về phía Đông Nam thôi. Đó là về chủ trương, còn cụ thể ở chỗ nào cần có ý kiến của Bộ GTVT, cơ quan chủ quản của Vinalines và Bộ Xây dựng. 

Về tác động môi trường của dự án nhà máy thép Posco, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Phải chăng, lãnh đạo tỉnh đã yên tâm về vấn đề này?

Yêu cầu về môi trường tuỳ thuộc vị trí của dự án, nếu dự án ở Nha Trang hay khu du lịch, yêu cầu về môi trường phải cao hơn ở những nơi khác. Tuy nhiên, không thể chỉ theo cảm tính để nói dự án này dự án nọ có làm hỏng môi trường hay không.

Nói nhà máy thép sẽ gây ô nhiễm môi trường, hoặc đi tham quan ít ngày rồi nói dự án không có gì đáng ngại về môi trường, đều là theo cảm tính.

Kết luận dự án của Posco có đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường hay không phải trên cơ sở khoa học, UBND tỉnh không có chuyên môn, không có thẩm quyền thẩm định vấn đề này. Đó là việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tập đoàn Sumitomo của Nhật cũng muốn đầu tư một dự án nhà máy nhiệt điện, trị giá khoảng 3,5 tỷ USD tại VVP. Chúng ta đã giải quyết đề nghị của họ thế nào?  

Năm 2004, tập đoàn Sumitomo đề nghị được quy hoạch toàn bộ VVP, đầu tư đa ngành tại đây. Bộ KH&ĐT được giao làm việc với Sumitomo và cho ý kiến, họ chỉ nên lập dự án đầu tư cụ thể, việc quy hoạch là của chính quyền Việt Nam.

Sau đó, Sumitomo đề nghị đầu tư nhà máy điện, cũng ở VVP nhưng không phải khu vực Đầm Môn, bán đảo Hòn Gốm. Vị trí dự định là ở Ninh Phước (Ninh Hòa), phía Nam Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin.

Họ cũng muốn liên doanh cùng một công ty hàng hải của Nhật và Vinalines để làm CTCQT. Chúng tôi và Bộ KH&ĐT rất hoan nghênh ý định này, vì quy mô dự án CTCQT tới 3,5 tỷ USD, phía Nhật có đủ vốn để đầu tư và có nguồn hàng để cảng phát huy tác dụng. Nhưng đến nay liên doanh này chưa lập được.

Như vậy, có nhiều tập đoàn nước ngoài muốn làm chủ đầu tư trên toàn bộ VVP?

Nói vậy không hẳn đúng, nhưng cũng có nhiều tập đoàn muốn đầu tư những dự án lớn tại VVP. Đầu thập kỷ 1990 đã có 2 tập đoàn của Pháp tỏ ý đầu tư khu du lịch quy mô lớn và tổ hợp lọc– hóa dầu tại Hòn Gốm, Đầm Môn, nhưng không được Chính phủ đồng ý.

Đến khi nghe ta lập CTCQT, họ muốn quay lại. Một nhà đầu tư A-rập cũng đề nghị được đầu tư khu dân cư, khách sạn cao cấp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực Vạn Thắng, Vạn Khánh (Vạn Ninh).

Cty Techno Star Management Ltd. (Anh) vừa được cấp giấy phép đầu tư tại Hòa Tâm, Phú Yên, trước đây từng đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho đầu tư tổ hợp lọc dầu tại Hòn Gốm.

Nhưng khi thấy dự án của họ chỉ là sản xuất bán thành phẩm, lại cần tới 40.000 m3 nước/ngày nên chúng tôi từ chối. Cả Cty Patner liên quan tới dự án Rusalka của Nguyễn Đức Chi cũng đặt vấn đề đầu tư vào VVP… 

Ngày 21/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi họp Thường trực Chính phủ bàn về dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và địa điểm dự án nhà máy thép liên hợp Vinashin – Posco. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:

- Đồng ý về chủ trương cho lập dự án Nhà máy thép liên hợp Vinashin – Posco tại vị trí tiềm năng CTCQT Vân Phong thuộc khu vực Hòn Ông theo quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt tại quyết định số 1714/QĐ-BGTVT ngày 21/8/2006.

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thông báo và thống nhất với đối tác Posco làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh Khánh Hòa để thỏa thuận vị trí cụ thể.

- Dự án nhà máy thép liên hợp Vinashin-Posco phải được lập và thẩm định theo quy định hiện hành, trong đó lưu ý: Dự án phải sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; chỉ đầu tư một nhà máy điện, tối đa 1.000 MW, đủ để phục vụ vận hành nhà máy thép.

- Sau khi dự án được lập và thẩm định theo quy định, trên cơ sở dự án bảo đảm khả thi, giao Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch chung vịnh Vân Phong và giao Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch chi tiết CTCQT Vân Phong.

- Tổng Cty Hàng hải Việt Nam khởi công hai bến khởi động dự án CTCQT Vân Phong để bảo đảm tiến độ dự án.

Nguyễn Đình Quân
(thực hiện)

MỚI - NÓNG