Chủ tịch Quốc hội: Phải cắt hết giấy tờ gây phiền hà cho dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những giấy tờ gây phiền hà cho dân cần phải cắt bỏ hết. Ảnh: Nhan Sáng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những giấy tờ gây phiền hà cho dân cần phải cắt bỏ hết. Ảnh: Nhan Sáng
TP - Ngày 14/7, phát biểu tại phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Căn cước công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Phải cắt bỏ hết những giấy tờ gây phiền hà cho người dân”.

Nhiều ý kiến tại UBTVQH tán thành với dự thảo Luật Căn cước công dân, nhưng đề nghị cần gắn với chủ trương cải cách hành chính, giảm tối đa thủ tục, giấy tờ không cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Ban soạn thảo Luật cần làm rõ là Luật này sẽ loại bỏ bao nhiêu giấy tờ, còn tồn tại bao nhiêu giấy tờ liên quan. Khi thực hiện chủ trương mới cần tiêu tốn bao nhiêu tiền.

“Câu hỏi đầu tiên cần trả lời rõ ràng là làm xong luật này thì loại bỏ được những giấy tờ nào cho dân, những giấy tờ còn lại là bao nhiêu? Phải làm sao để thấy đây là cuộc cách mạng làm thay đổi thủ tục, giấy tờ của mỗi công dân. Nhưng tôi đọc xong vẫn chưa hiểu có loại bỏ được tất cả giấy tờ không hay vẫn chấp nhận một số loại như hiện nay?”, bà Mai băn khoăn.

Giải đáp thắc mắc trên, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân cho biết, khi triển khai luật này sẽ bỏ được một số loại giấy tờ liên quan như hộ khẩu, giấy khai sinh. Vừa qua thí điểm ở Hải Phòng, Hà Nội và một số địa phương, có thể khẳng định dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ thành công. Cơ sở dữ liệu chỉ quy định với 16 thông tin cơ bản nhất, đặc điểm nhận dạng, vân tay cũng không được đưa vào đây. Lý do phải quy định 12 số là để phân biệt giữa nam và nữ, người trong nước và cả các cháu sinh ra ở nước ngoài. Quy định này đã tham khảo kinh nghiệm ở nhiều nước cũng như ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Toán học Việt Nam.

Tạo thuận lợi nhất cho dân

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa mong muốn Luật Căn cước công dân ra đời sẽ giảm bớt các thủ tục, giấy tờ cho dân. Đây là đề án mang tính cách mạng, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính hiện nay. Lấy ví dụ bản thân làm giấy tờ nhà đất ở quận Thanh Xuân phải mất tới 8 tháng mới xong, phải có đủ các loại giấy tờ từ khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn..., ông Khoa cho rằng cải cách hành chính yêu cầu không phải cá nhân mà toàn dân đang bức xúc.

Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là mối liên hệ kết nối để truy cập khai thác sử dụng thông tin trực tuyến. “Khi đứa trẻ được khai sinh sẽ cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải qua kênh nào nữa và như thế mới là ứng dụng công nghệ thông tin.

Nếu phải chuyển dữ liệu cho Bộ Công an nhập vào dữ liệu chung thì còn gì là ứng dụng công nghệ thông tin nữa. Nếu chúng ta hiểu sai đi thì bao nhiêu tiền của mất hết mà không cải cách được nhiều thủ tục hành chính như chúng ta mong muốn”, ông Thi nói. Theo ông, giấy khai sinh hay thẻ căn cước cũng chỉ là cách gọi và dù có gọi thế nào, cũng chỉ nên cấp một loại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, yêu cầu đối với dự án luật này là phải cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết.

“Già rồi mà cũng bị hỏi giấy khai sinh, mua vé cũng hỏi, đó là lạm dụng, Luật này phải cắt hết”.

Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lo lắng bởi chưa thể hình dung nổi Luật ra đời sẽ tác động thế nào tới xã hội. Đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu là cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “quy định phải mạch lạc”.

Việc thay giấy khai sinh bằng căn cước là đúng, bởi lâu nay giấy khai sinh bị lợi dụng, đi đâu cũng bị hỏi. “Già rồi mà cũng bị hỏi giấy khai sinh, mua vé cũng hỏi, đó là lạm dụng, Luật này phải cắt hết” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề nghị bổ nhiệm không kỳ hạn Thẩm phán Tòa tối cao

Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND. Theo Ủy ban Tư pháp, nhiều ý kiến tán thành phương án Thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán khác là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội quy định Thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Đối với các Thẩm phán khác, việc quy định có nhiệm kỳ là cần thiết, nhằm tạo động lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi công vụ.

H. Phúc

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.