Ngày 22/4, nêu ý kiến tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao, kết quả cụ thể số liệu thế nào. Theo ông Thanh, cử tri băn khoăn định mức xe hơn 1,1 tỷ đồng nhưng thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8- 10 tỷ đồng, dù là xe chuyên dùng nhưng so với định mức sao giá trị cao thế, có tiết kiệm chống lãng phí hay không?
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiết kiệm, chống lãng phí không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn là tiết kiệm thời gian, sức lao động, tài nguyên… Viện dẫn vụ xuất khẩu gạo vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thực hiện còn lúng túng và Uỷ ban Kinh tế đã có cáo báo cụ thể về việc này. “Việc lúng túng, vội vàng gây lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Ví dụ khác được bà Ngân nêu ra là nhiều dự án đầu tư đang vướng thủ tục hành chính tại các thành phố lớn khiến nhà đầu tư “chết lên, chết xuống”. “Người ta nói nếu không giải quyết thì họ phá sản, mỗi ngày dừng tốn bạc tỷ nhưng không ai dám giải quyết. Thế có lãng phí không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu, đồng thời nhấn mạnh, cần rõ trách nhiệm của bộ máy công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp mới thực sự là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hiện tổ chức lễ hội quá nhiều, bắn pháo hoa quá nhiều, dù không phải dùng từ nguồn tiền ngân sách nhưng vẫn là lãng phí nguồn lực của xã hội. Bà Ngân lưu ý, đừng nói tổ chức không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm. Không phải vậy, nguồn lực huy động từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp có thể giúp dân xoá đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu. “Chính phủ cần lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực. Tất cả nguồn lực dành cho dân, lo cho cuộc sống nhân dân thì được, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ”, bà Ngân đề nghị.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách lưu ý, việc chấp hành quy định về lập, gửi chương trình và báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của các bộ, UBND tỉnh, thành phố và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa nghiêm nên báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai, nhất là các vi phạm, sai sót.
“Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Uỷ ban Tài chính- Ngân sách kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.