Chủ tịch QH cũng cho rằng, “nếu vẫn cứ quy định trái tuyến thì sẽ còn phát sinh tiêu cực, làm giảm y đức”.
Liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), một số ý kiến đề nghị không thanh toán cho những trường hợp tự đi khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai lý giải: “Nguyên nhân dẫn đến người bệnh phải tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là do trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của tuyến dưới còn hạn chế. Trong khi người bệnh muốn được khám chữa bệnh với chất lượng tốt, nhanh khỏi bệnh.
Đây là nguyện vọng chính đáng và quỹ BHYT phải có trách nhiệm xử lý vấn đề này một cách hợp lý và mức chi trả cụ thể giao cho Chính phủ quy định để linh hoạt và đảm bảo cân đối quỹ”.
Một số ý kiến không đồng tình với quy định tại dự thảo theo hướng “bắt buộc người tham gia BHYT phải khám chữa bệnh đúng tuyến”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên quy định hạn chế quyền lợi chính đáng của người dân như vậy, vì như thế là làm khổ dân.
“Nhà tôi ngay cạnh bệnh viện mà lại bắt tôi phải cầm thẻ đi đến chỗ khác mới được điều trị là không được. Chúng ta đang hạn chế quyền chữa bệnh của dân bằng cách quy định chữa bệnh trái tuyến. Như thế vi phạm quyền chữa bệnh của dân. Ví dụ tôi có thẻ BHYT, tôi ra Hà Nội công tác bị ốm thì phải được chữa bệnh ngay ở Hà Nội chứ, sao lại bắt tôi phải vào miền Trung mới được chữa” - Ông Hùng nói.
Theo Chủ tịch QH, “nếu vẫn cứ quy định trái tuyến thì sẽ còn phát sinh tiêu cực, làm giảm y đức”.
Tán thành quan điểm thực hiện BHYT toàn dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Luật cần đi theo hướng tuân thủ quy tắc kinh tế thị trường. Nơi nào tốt thì nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư; phải để cho bệnh viện tư được thanh toán đầy đủ cho người có thẻ BHYT.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị, khi bị ốm đau, đến cơ sở y tế dù công, hay tư thì người dân phải được hưởng chính sách BHYT, chứ không quy định đến trái tuyến, hay không trái tuyến.