Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ các thông tin về tính cấp bách của chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. Ảnh: MINH THIÂN |
Ngày 20/5/2022 vừa rồi, là tròn đúng 1 năm ông chính thức giữ trọng trách Tổng biên tập báo Nhân Dân. Những suy nghĩ của ông sau 1 năm được Bộ Chính trị điều động, phân công và bổ nhiệm vào cương vị mới ở cơ quan mới?
Thực ra tôi không có suy nghĩ gì đặc biệt. Quan điểm của tôi là tổ chức phân công nhiệm vụ nào thì tôi sẽ cố gắng cao nhất trong năng lực của mình. Tôi cũng không có thói quen nhìn lại một quãng thời gian xem mình đã làm được gì mà chỉ quan tâm đến những việc gì chưa làm được và sắp tới sẽ phải giải quyết những vấn đề tồn đọng đó như thế nào.
Tôi cũng là người thích nghiên cứu về tương lai của báo chí-truyền thông, nên tôi quan tâm đến sự phát triển trong tương lai của cơ quan báo chí nơi mình công tác, dựa vào nền tảng truyền thống như là thế mạnh riêng có của cơ quan đó để xây dựng các chiến lược mang tính đặc thù. Thông tấn xã Việt Nam là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp làm báo của mình ngay sau khi rời giảng đường đại học, nơi tôi đã trải qua rất nhiều vị trí, nhiều đơn vị khác nhau.
Tổng thời gian tôi làm việc tại TTXVN là 30 năm 6 tháng và 18 ngày, nên có thể nói tôi thuộc lòng từng góc nhỏ của tòa nhà trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, tôi biết rõ hàng trăm, thậm chí cả ngàn đồng nghiệp ở nhiều bộ phận trực thuộc, anh chị em phóng viên cơ quan thường trú ở khắp 63 tỉnh thành và 30 cơ quan thường trú nước ngoài. Công tác điều hành ở TTXVN với tôi có lẽ không quá khó khăn vì mọi thứ vô cùng thân thuộc.
Sang báo Nhân Dân, tôi phải làm quen từ đầu: từ bộ máy cho đến con người, cho đến văn hóa riêng của tòa soạn. Thời gian 1 năm cũng chưa đủ nhiều. Vì thế, cho dù tổng số cán bộ, nhân viên của báo Nhân Dân chỉ bằng một phần ba so với con số ở TTXVN, công tác quản lý và lãnh đạo đương nhiên sẽ khó khăn hơn.
Được biết, ông là con trai của một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Việc theo nghề báo của ông có sự định hướng của gia đình?
Tôi và người anh trai của tôi đều chọn nghề báo, thực ra chính là muốn đi theo bước chân của cha tôi. Vì một lý do rất đơn giản: thấy cha mình có cơ hội đi khắp đất nước, thậm chí đi nhiều nơi trên thế giới, được chứng kiến, được ghi vào ống kính máy ảnh những cái câu chuyện mà nếu mình ngồi một chỗ thì mình sẽ không bao giờ có những trải nghiệm như vậy. Và anh em chúng tôi đều mong muốn một ngày nào đó sẽ được như ông. Cho nên, dù không có một định hướng rõ ràng của cha mẹ là ra trường thì làm nghề báo, nhưng cả hai anh em chúng tôi đều theo nghề báo.
Làm việc cho đài NHK (Nhật Bản): Những trải nghiệm, kinh nghiệm quý
Ông từng làm việc cho một cơ quan báo chí nước ngoài. Mong ông chia sẻ những điều ông học hỏi được ở đó?
Tôi thi đỗ đợt tuyển dụng chuyên gia năm 1995 và đầu năm 1996 thì sang Nhật làm việc với tư cách là chuyên gia về nhân văn tại Đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK theo nhiệm kỳ 4 năm. Có thể nói 4 năm làm việc cho một cơ quan báo chí lớn vào hàng bậc nhất của đất nước Nhật Bản, đã giúp tôi có những trải nghiệm nhất định và mang lại những kinh nghiệm đáng giá.
Những bài học rút ra được từ các đồng nghiệp - không chỉ là đồng nghiệp Nhật Bản mà còn từ các đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Bởi vì tôi làm ở Ban quốc tế của Đài phát thanh Nhật Bản, với khoảng 22 ngôn ngữ khác nhau kể cả tiếng Nhật. Và đương nhiên, môi trường hiện đại, chỉn chu, chuyên nghiệp về mặt báo chí, đã mang lại cho tôi rất nhiều điều có thể học hỏi từ cách thức làm việc. Ví như việc phải đúng giờ. Khi đi phỏng vấn một ai đó thì nguyên tắc là phải đến sớm, trước 5-10 phút, để kiểm tra mọi thứ rất kỹ càng.
Khi thực hiện những chương trình trực tiếp chẳng hạn, thì người Nhật kiểm tra rất cẩn thận, test đi test lại để đảm bảo không mắc phải bất kỳ một sai sót nhỏ nào. Những cách thức làm việc chỉn chu như vậy cũng dần dần ngấm sâu vào người tôi, khiến tôi làm việc cũng luôn luôn bám theo những nguyên tắc, những tiêu chuẩn. Chính mình cảm thấy ưng những sản phẩm báo chí mình làm ra thì độc giả, khán thính giả mới có thể ưng những sản phẩm đó.
Bảo vệ bản quyền báo chí
Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - một tổ chức nghề nghiệp - ông có kế hoạch hoặc giải pháp gì cho vấn đề “tác quyền báo chí”? Có nên sớm thành lập một tổ chức về bản quyền báo chí giống như bên âm nhạc hay văn học đang có?
Vấn đề “cắt-dán” xảy ra với báo chí ở nhiều quốc gia. Tôi đi dự nhiều hội thảo quốc tế và nghe nhiều đại biểu kêu ca về vấn nạn này. Tình trạng xâm phạm bản quyền báo chí dưới nhiều hình thức khác nhau ở Việt Nam quả thực không cải thiện nhiều trong thời gian qua tuy đã có nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng cũng như bản thân các cơ quan báo chí.
Tệ hại nhất là việc các trang thông tin điện tử ngang nhiên lấy nội dung báo chí để đăng tải lại mà không xin phép, thậm chí thay đổi nội dung hoặc tiêu đề nhằm phục vụ những mục đích riêng. Nhưng cần phải thừa nhận rằng không ít cơ quan báo chí cũng xâm phạm bản quyền, từ việc “xào xáo” nội dung của đồng nghiệp trong nước cho đến việc dịch “chùa” những nội dung bằng tiếng nước ngoài.
Cách đây gần 10 năm, tôi từng đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn về bảo vệ bản quyền và kêu gọi các cơ quan báo chí lớn ký một thỏa ước về vấn đề này, trong đó có cam kết không xâm phạm bản quyền của nhau và cùng hợp tác xử lý những đơn vị vi phạm bản quyền báo chí, nhưng ý tưởng đó không thành.
Tại Đại hội Hội nhà báo lần thứ XI, chúng tôi đã xác định rằng bảo vệ bản quyền là một trong những điều kiện có thể hỗ trợ báo chí vượt qua khó khăn và phát triển. Chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch rất cụ thể cho nỗ lực này, từ việc nâng cao nhận thức thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, đào tạo kỹ năng cho đến việc phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các vi phạm, và cả khả năng hợp tác với các công ty công nghệ đa quốc gia để phát hiện và xử lý sai phạm trên không gian mạng Internet.
Còn rất nhiều việc phải làm, con đường đi sẽ rất gian nan, nhưng chúng ta phải bắt đầu, kể cả từ những việc đơn giản nhất.
“Thời đại công nghệ - kẻ thắng không phải lúc nào cũng là kẻ mạnh về tài chính”
Ông là người am hiểu và chú trọng áp dụng công nghệ trong việc làm nội dung và xuất bản báo chí, đã từng thành công ở báo điện tử Vietnam+ (VietnamPlus) thuộc Thông tấn xã Việt Nam. Vậy ông, trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo đánh giá và có chiến lược cụ thể gì để phát triển tính năng ưu việt này cho báo chí Việt Nam nói chung, ngay cả ở các toà soạn địa phương, toà soạn nhỏ lẻ?
Đơn cử như câu chuyện chuyển đổi số đang là vấn đề rất cấp bách với các cơ quan báo chí, và đã có nhiều câu hỏi rằng cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông hay Hội Nhà báo Việt Nam có chiến lược chung cho báo chí Việt Nam hay không.
Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng chiến lược chung nhưng chủ yếu mang tính định hướng, còn Hội Nhà báo Việt Nam thì chắc chắn sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, đào tạo về vấn đề này.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của cơ quan quản lý cũng như Hội là xây dựng khung pháp lý, giới thiệu những mô hình hiệu quả, những bài học kinh nghiệm cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực cần thiết chứ không phải là làm thay cho các tòa soạn. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi tòa soạn phải xây dựng chiến lược và kế hoạch dựa trên mục đích, nhu cầu, thế mạnh và năng lực của riêng mình.
Ông Lê Quốc Minh (trái) trong buổi phỏng vấn |
Nếu các cơ quan báo chí lớn được đầu tư bài bản về công nghệ theo một chiến lược đồng bộ, lại chọn lựa được những công nghệ tương lai phù hợp thì thật tuyệt vời. Song từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, quy mô lớn và có tiềm lực tài chính chưa chắc đã là thế mạnh trong việc áp dụng công nghệ làm báo hiện đại, bởi để áp dụng những sáng tạo mới mẻ và mang tính đột phá tại các cơ quan lớn đòi hỏi cả một quy trình phê duyệt và áp dụng khá phức tạp.
Trong khi đó, các tờ báo nhỏ có thể triển khai công nghệ mới rất nhanh, và khi thấy công nghệ đó không hiệu quả thì họ cũng có thể chuyển nhanh chóng sang công nghệ khác. Các cơ quan báo chí lớn cũng có một ưu thế là có thể xây dựng đội ngũ công nghệ nội bộ để phát triển cơ quan báo chí đó theo hướng truyền thông-công nghệ (media-tech) đang khá phổ biến trên thế giới, trong khi các cơ quan báo chí nhỏ hơn có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác công nghệ và hoàn toàn có thể tạo ra năng lực cạnh tranh riêng nếu chọn đúng được những công nghệ, những cách làm sáng tạo.
Thời đại công nghệ hiện nay là kẻ thắng không phải lúc nào cũng là kẻ mạnh về tài chính.
Tính chuyên nghiệp - báo chí Việt Nam còn rất nhiều điều phải học hỏi
Ông hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và có lẽ là Chủ tịch Hội Nhà báo đầu tiên đã gây dựng rồi làm admin chính của một Diễn đàn nghiệp vụ báo chí. Ông nhận xét, đánh giá ra sao về số lượng, chất lượng đội ngũ làm báo ở Việt Nam? Về các sản phẩm báo chí hiện nay?
Báo chí Việt Nam phát triển khá nhanh và xét ở góc độ loại hình báo chí thì chúng ta có đầy đủ những gì xuất hiện trong làng báo thế giới. Số lượng các cơ quan báo chí và người làm báo cũng tăng mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây. Xét về công nghệ làm báo cơ bản thì các cơ quan báo chí của Việt Nam cũng chẳng thua kém là bao.
Ông Lê Quốc Minh |
Tuy nhiên, xét về tính chuyên nghiệp thì báo chí Việt Nam còn rất nhiều điều phải học hỏi. Chúng ta có những tờ báo rất đẹp, rất chuyên nghiệp mà có lẽ các nhà báo nước ngoài cũng phải thừa nhận, nhưng chúng ta vẫn còn không ít những tờ báo mà từ cách viết tin bài, cách chụp ảnh lẫn thiết kế trang vẫn quá sơ sài.
Chúng ta có những chương trình phát thanh-truyền hình hấp dẫn và thú vị tới mức đoạt các giải thưởng cao của quốc tế, nhưng còn đó rất nhiều kênh hoặc chương trình phát thanh-truyền hình được thực hiện quá giản đơn.
Chúng ta có nhiều nhà báo giỏi, nhưng nhìn vào lực lượng đông đảo các nhà báo hiện nay có thể thấy một tỷ lệ không nhỏ những nhà báo chưa thấm nhuần các giá trị cốt lõi của báo chí, viết tin bài rất cảm tính và thậm chí không tuân thủ nguyên tắc về thẩm định thông tin.
Trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt và chạy đua với mạng xã hội, nhiều cơ quan báo chí thay vì đề cao chất lượng lại chú trọng những nội dung mang tính câu view bằng những nội dung giật gân, gây sốc, thậm chí sai lệch. Đó là chưa kể tình trạng ngôn từ báo chí, đặc biệt là trên báo điện tử, ngày càng trở nên dễ dãi và mắc rất nhiều lỗi. Ngôn ngữ báo chí thường được coi là ngôn ngữ tiêu chuẩn của xã hội, nhưng đọc báo điện tử ngày nay có quá nhiều sạn, gây ức chế cho độc giả.
Chúng tôi cũng đã thấy một số nỗ lực thử nghiệm công nghệ mới đáng hoan nghênh của một vài cơ quan báo chí, nhưng đa số khác khá lúng túng với vấn đề này.
Ông Lê Quốc Minh
Tính chuyên nghiệp cũng thể hiện ở việc các cơ quan báo chí dám thoát ra khỏi vùng an toàn như cách làm báo lâu nay để giành lại sự quan tâm của công chúng độc giả, khán thính giả. Nhưng sau một thời gian phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều hiệu quả trong khoảng 10 năm đầu của thế kỷ 21 này, tôi có cảm giác như nhiều cơ quan báo chí đang dẫm chân tại chỗ và không biết sẽ tiếp tục đi theo con đường nào.
Một số báo có vẻ hài lòng với việc đã có phiên bản điện tử nhưng họ không biết rằng quy trình xuất bản hiện nay của họ không khác nào viết bài cho báo in nhưng chỉ khác là phát hành trên nền tảng digital mà thôi, chứ họ chưa tận dụng hết thế mạnh của báo điện tử. Phóng viên và biên tập viên vẫn theo quy trình sản xuất truyền thống cho báo in, trong khi nội dung lên website phải được trình bày một kiểu, và lên mobile thì phải theo một kiểu khác nữa.
Ngay kể cả với một số cơ quan báo chí thuần túy digital (không có báo in) thì cách làm báo điện tử cũng chưa thực sự đúng đắn. Ngoài ra, không có nhiều cơ quan báo chí tạo ra được các sản phẩm đặc biệt, bên cạnh những nội dung báo chí thông thường. Thực tế cho thấy nếu báo chí chỉ duy trì cách làm truyền thống thì sẽ rất khó cạnh tranh với hàng tỷ kênh thông tin trên mạng Internet.
Và báo chí thời đại hiện nay phải gắn liền với công nghệ. Chúng tôi cũng đã thấy một số nỗ lực thử nghiệm công nghệ mới đáng hoan nghênh của một vài cơ quan báo chí, nhưng đa số khác khá lúng túng với vấn đề này.
Các chuyên gia khuyên rằng báo chí không nên lao theo những công nghệ hào nhoáng, nhưng có nhiều xu hướng công nghệ mà báo chí thế giới đang triển khai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mixed reality hoặc extended reality (XR), rồi việc làm báo bằng robot hoặc Intenet vạn vật (IoT) mà chúng ta nên tìm hiểu xem cái gì phù hợp với đơn vị của mình.
Báo chí thế giới cũng đã áp dụng rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau để tìm cách tồn tại và phát triển, nhưng nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào quảng cáo – nguồn thu đang ngày càng trở nên khó khăn.
Nhưng tôi tin là đội ngũ làm báo trẻ ở Việt Nam rất năng động. Nếu trao cho họ cơ hội để thử nghiệm những điều mới mẻ thì chắc chắn họ sẽ tạo ra được sự đột phá cho cơ quan báo chí của mình. Họ cần sự định hướng của lãnh đạo về mặt chính trị và nghiệp vụ, nhưng họ cũng cần không gian sáng tạo của riêng mình. Báo chí là sáng tạo chứ không phải là làm theo khuôn mẫu.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!