Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: Việt Nam có cả chân lý lẫn pháp lý

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: Việt Nam có cả chân lý lẫn pháp lý
Từ nhiều thế kỷ nay, VN đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục. Bất cứ hành động chiếm đóng bằng vũ lực đều vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: Việt Nam có cả chân lý lẫn pháp lý

> Chủ tịch nước: Mua vũ khí là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc
> Triển lãm tư liệu chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
> Bản đồ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Từ nhiều thế kỷ nay, VN đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục. Bất cứ hành động chiếm đóng bằng vũ lực đều vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

PGS.TS Phạm Đăng Phước - hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng - khẳng định như vậy khi chủ trì hội thảo quốc tế chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Những khía cạnh lịch sử và pháp lý” diễn ra tại TP Quảng Ngãi ngày 27/4.

Hội thảo quy tụ hơn 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, chuyên gia nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines và VN.

Sai lầm lớn khi đưa ra “đường lưỡi bò”

Dẫn một nghiên cứu dày 43 trang, ông Tạ Văn Tài - giáo sư, tiến sĩ luật đến từ bang Massachusetts, Hoa Kỳ - đưa ra các nguồn công pháp, tư pháp, sử liệu của cả VN, thế giới và Trung Quốc, khẳng định “đường lưỡi bò” (hay đường chín đoạn, chiếm 80% biển Đông, bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN) là không có căn cứ pháp lý nào.

Ông kể thêm: trên diễn đàn hội nghị ngoại giao cũng như học giới, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” là một sai lầm lớn và bị vặn hỏi mà không trả lời nổi.

Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Quốc Phạm Hoàng Quân trình bày một báo cáo 22 trang phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Quốc liên quan đến biển Đông của VN làm nhiều người ngỡ ngàng. Ông nói những sử liệu mà Trung Quốc đã đưa ra cùng với những sử liệu khác chưa đưa ra hoặc cố ý không đưa ra hầu hết đều rất có lợi cho VN nếu được hiểu một cách đúng đắn.

“Trong lịch sử từ Hán đến Thanh, các nền quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng biển Đông và xác định hải giới ở cực nam là đảo Hải Nam. Sử liệu Trung Hoa đã thừa nhận các quần đảo trên biển Đông xưa kia thuộc vùng biển Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành”.

Ủng hộ giải pháp tòa án

Giáo sư sử học, chuyên gia các vấn đề đương đại của các nước Đông Nam Á - Viện hàn lâm Khoa học Nga Dritri Valentinovich Mosyakov đánh giá việc Philippinnes kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là biện pháp cấp tiến, là một chính sách cứng rắn. Đồng tình, TS Nguyễn Nhã (Hội Lịch sử VN) đề xuất: “VN có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý, các nước ủng hộ chúng ta nên có một giải pháp đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế”.

Tương tự, ông Tạ Văn Tài cho rằng nếu VN thương lượng không xong thì phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đúng với quy định trong UNCLOS. Ông nói VN phải dùng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi biển, đảo của mình.

Còn GS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử VN - nói: “Chắc chắn rằng không có tòa án nào thừa nhận “đường lưỡi bò” cả, bởi nó không có một cơ sở lịch sử, pháp lý nào”. Ông Ngọc cho biết thêm tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của ta ngày càng sáng rõ và đây là cơ sở quan trọng để ta đấu tranh đòi thực thi chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ngày 27/4, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi trao 805 triệu đồng hỗ trợ năm ngư dân có tàu cá bị nạn trên biển, trong đó có ba ngư dân đều ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là chủ các tàu cá bị Trung Quốc giữ khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa đầu tháng 7/2012. Một trong hai ngư dân còn lại là Bùi Văn Phải, chủ tàu cá QNg 96382 bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin khi đang hành nghề tại ngư trường Hoàng Sa sáng 20/3.

Hàng nghìn du khách đã tham dự chương trình khai mạc “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” và “Tuần văn hóa biển đảo năm 2013”, diễn ra tại quảng trường Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi) tối 27/4. Bài học về lịch sử hình thành đội hùng binh Hoàng Sa từ cuối thế kỷ 16 với nhiệm vụ đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại được cất lên hùng hồn khiến lễ khai mạc thêm long trọng, trang nghiêm.

Tiết mục hát bả trạo của thôn vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tại đêm khai mạc. Ảnh: Trà Giang
Tiết mục hát bả trạo của thôn vạn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tại đêm khai mạc. Ảnh: Trà Giang.

TP Quảng Ngãi tràn ngập du khách về dự đêm khai mạc. Các khách sạn Dầu Khí, Sông Trà, Hùng Vương... hầu như không còn phòng. Còn tại đảo Lý Sơn, dự kiến dịp này sẽ có khoảng 2.000 khách ra đảo, tuy nhiên mới ngày đầu khai lễ đã đón trên 1.000 khách.

Tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn), hàng trăm tăng ni, phật tử là con cháu 13 tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức trang nghiêm lễ rước linh vị các hùng binh Hoàng Sa từ Âm Linh tự về nhập điện đình làng An Vĩnh.

Hôm nay, 28/4, tại đây diễn ra lễ rước bằng di tích quốc gia đình làng An Vĩnh và bằng công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản phi vật thể quốc gia, lễ chánh Lễ tế khao lề thế lính Hoàng Sa.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG