Chủ nhân Nobel Hòa bình 2017: Không thể chấp nhận việc dựa vào vũ khí hạt nhân

Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) được trao giải Nobel Hòa bình 2017. Ảnh: Getty Images.
Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) được trao giải Nobel Hòa bình 2017. Ảnh: Getty Images.
TP - Hôm qua, Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) được chọn là tổ chức chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2017. Đây được coi là thông điệp đến tất cả các nước, đặc biệt các quốc gia hạt nhân rằng, việc dựa vào loại vũ khí hủy diệt nguy hiểm này là điều không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, nói rằng, giải Nobel Hòa bình 2017 được trao cho ICAN để ghi nhận “nỗ lực của tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm đến những hậu quả nhân đạo thảm khốc nếu sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào, cũng như những nỗ lực đột phá của họ nhằm đạt được hiệp ước cấm sử dụng loại vũ khí này”.

Trong phản ứng đầu tiên khi nghe tin về giải thưởng, bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành của ICAN, kể rằng bà và đồng nghiệp nhận được thông báo qua điện thoại trước khi có thông báo chính thức của Ủy ban nhưng bà nghĩ rằng đó là “trò lừa”. Bà Fihn đã không tin cho đến khi nghe thấy tên của ICAN được xướng lên trong lễ công bố tại Oslo. Bà nói: “Dựa vào vũ khí hạt nhân là việc làm không thể chấp nhận được…Chúng ta không thể đe dọa giết hại không phân biệt hàng trăm ngàn dân thường dưới danh nghĩa an ninh. Đó không phải cách chúng ta xây dựng an ninh”.

Ủy ban giải thưởng thông báo, quyết định của họ được đưa ra vào thời điểm “nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân lớn hơn bao giờ hết trong một thời gian dài”. Ủy ban nói rằng, một số quốc gia đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ, và có “nguy cơ thực sự là một số quốc gia sẽ cố mua vũ khí hạt nhân”. Cộng đồng quốc tế đã có hiệp ước cấm sử dụng mìn, bom chùm và các loại vũ khí hóa học, sinh học, nhưng “vũ khí hạt nhân còn gây hủy hoại lớn hơn nhiều” mà chưa bị cấm. ICAN đã giúp “lấp đầy lỗ hổng luật pháp đó”, và trở thành “nhân tố thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cam kết hợp tác với các bên liên quan trong nỗ lực lên án, cấm và xóa bỏ vũ khí hạt nhân”, Ủy ban thông báo.

Những bước tiếp theo cần phải liên quan các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Giải Nobel Hòa bình năm nay kêu gọi những quốc gia này khởi động các cuộc đàm phán nghiêm túc với quan điểm xóa bỏ dần dần, cân bằng và được giám sát kỹ càng đối với gần 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Mỹ, Triều Tiên, Iran thành tâm điểm

Quyết định của Ủy ban giải Nobel Hòa bình được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ đảo ngược thỏa thuận hạt nhân Iran, nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu hạt nhân lần thứ hai, bên cạnh cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Ông Trump vừa nói trong cuộc họp với các lãnh đạo quân đội Mỹ rằng Iran không làm theo “tinh thần của thỏa thuận” và rằng họ đang chứng kiến “sự bình lặng trước cơn bão”.

Ngược lại, Liên minh châu Âu (EU) nói họ đang làm mọi việc có thể để cứu vãn thỏa thuận ngay cả khi Mỹ rút ra. Bà Federica Mogherini, quan chức phụ trách đối ngoại  của EU, nói rằng, Iran đang tuân thủ thỏa thuận và không cần thiết phải đàm phán lại thỏa thuận. Trong phát biểu dường như để gửi gắm đến ông Trump, bà Mogherini nói: “Thỏa thuận đang được thực hiện. Nó đang hoạt động. Nó không phải để bên này hay bên khác xác nhận. Nó là để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, với vai trò kỹ thuật độc lập, cung cấp cho chúng ta các báo cáo và cho toàn bộ ủy ban giám sát quá trình thực hiện”.

Ông Richard Dalton, cựu Đại sứ Anh tại Tehran, nói rằng giải Nobel Hòa bình năm nay là “một thách thức với cộng đồng quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đứng đầu, trong nhiệm vụ bảo vệ thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân có tính chất lịch sử (Thỏa thuận Iran), điều quan trọng cho hòa bình khu vực, khỏi những người phỉ báng nó”.

Có trụ sở tại Geneva, ICAN đang làm việc với 468 tổ chức phi chính phủ trên khắp 101 quốc gia, trong đó có các tổ chức hòa bình, môi trường, phát triển và nhân quyền. ICAN hoạt động với ngân sách mỗi năm khoảng 1 triệu USD, đến từ các nguồn quyên tặng tư nhân, EU và các quốc gia như Na Uy, Thụy Sĩ, Đức, Tòa thánh Vatican…

122 quốc gia đã đồng ý tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vào tháng 7 năm nay trong kỳ họp của Liên Hợp Quốc, sau nhiều tháng bàn bạc trước sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cùng đồng minh của họ. Tất cả những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và các nước nằm dưới ô hạt nhân đều đã tẩy chay các cuộc đàm phán. ICAN đã nỗ lực để thúc đẩy sự tham gia và tuân thủ Hiệp ước. Ngày 22/9 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

MỚI - NÓNG