Chú mèo suy tư trên bìa tạp chí nổi tiếng Xuân Quý Mão 1963

TP - Trước năm 1975, có một tạp chí được phát hành song song trong nước và tại địa chỉ 13, Rue de la Montagne Ste Génevière, Paris, đó là Tạp chí Phổ Thông, do nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ (tòa soạn 233 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn) làm giám đốc, chủ bút. Khi sắp bước sang năm Quý Mão 1963, tạp chí liên tục giới thiệu các tác giả tham gia viết bài ở mục Bức thư Paris, Một luồng gió mới, Hồ sơ văn hóa… trong số báo Xuân.

60 năm vẫn mới

Tạp chí Phổ Thông nổi tiếng một thời gắn với tên tuổi của giám đốc, tổng biên tập Nguyễn Vỹ. Ông cũng chính hiện tượng văn chương, báo chí, văn hóa nổi bật khởi đầu từ Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ 20. Với những bài thơ “Gửi Trương Tửu”, “Sương rơi”, bộ tiểu thuyết tự truyện “Tuấn, chàng trai nước Việt”, công trình biên khảo đồ sộ “Văn thi sĩ tiền chiến”…

Năm 25 tuổi (1937), ông đã sáng lập ra tờ Việt-Pháp lấy tên là Bạch Nga (Cygne), nhưng chỉ 6 tháng sau, tờ Cygne đã bị Pháp đóng cửa, kèm với trát phạt tiền Tổng biên tập vì đi theo đường lối chống chính quyền bảo hộ. Năm 1945, ông xuất bản 2 cuốn sách “Kẻ thù là Nhật Bản”, “Cái họa Nhật Bản” nên tiếp tục bị bỏ tù. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục sáng lập các tờ báo “Tổ quốc” tại Sài Gòn, “Dân chủ” tại Đà Lạt, nhật báo “Dân ta”... Hầu hết tờ báo này bị chính quyền đương thời đóng cửa. Đến năm 1958, ông bắt đầu phát hành Tạp chí Phổ Thông cho đến năm 1971, cùng lúc tiếp tục phát hành các tờ tuần báo Bông Lúa, báo Thằng Bờm cho thiếu nhi…

Chú mèo suy tư trên bìa tạp chí nổi tiếng Xuân Quý Mão 1963 ảnh 1

Ông Huỳnh Trần Lâm, từng đặt mua nhiều cuốn Tạp chí Phổ Thông xuân Quý Mão 1963 về nhà sách tư nhân Huỳnh Trần Nuôi để phục vụ bạn đọc

Ảnh: Văn Chương

Trong các số Tạp chí Phổ Thông cận Tết Quý Mão năm 1963, có khá nhiều bài viết mà sau 60 năm nhìn lại vẫn còn nguyên giá trị giáo dục và định hướng đối với mỗi cá nhân.

Tác giả Nguyễn Văn Cổn từ Paris đã viết bài “Giá trị của bằng cấp” trong mục Bức thư từ Paris được đăng tải đều đặn trong mỗi số. Nhà báo Nguyễn Văn Cổn viết rất thuyết phục: “Những nhà đại văn hào người Pháp Anatole France, André Gide, Henry de Montherlant có phải là thạc sĩ, tiến sĩ đâu! Nhà văn còn trẻ tuổi (tiếc đã chết sớm) Albert Camus chiếm giải thưởng văn chương Nobel có phải đã miệt mài ở Đại học!”.

Bài viết nhấn mạnh vấn đề mà tới bây giờ lại đang rộ lên ở quê hương: “Tôi thường thấy nhiều người quá chú trọng đến mảnh bằng, họ cho đó là nấc thang duy nhứt để bước đến những địa-vị tối cao. Chúng ta cũng thường thấy nhiều người lầm lẫn bằng cấp với chân giá trị (les vraies veleus) ở đời! Đó là sự ngộ nhận và thành kiến mà ngày nay ta cần phải đánh đổ, cũng như ta đã phỉ bỏ câu nói sặc mùi trưởng giả xưa kia: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”… Hạng người mà quốc dân yêu mến không hẳn là các ông có những bằng cấp”.

Chú mèo suy tư trên bìa tạp chí nổi tiếng Xuân Quý Mão 1963 ảnh 2

Bìa Tạp chí Phổ Thông Xuân Quý Mão 1963 với hình ảnh chú mèo suy tư Ảnh: Văn Chương

Số báo gần Tết năm 1963, Tạp chí Phổ Thông tiếp tục đăng kỳ 94 câu chuyện nổi tiếng và đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị - “Tuấn, chàng trai nước Việt”. Đây là tiểu thuyết, cũng chính là ký ức lịch sử-cá nhân của chính Nguyễn Vỹ dựa trên những sự kiện có thật ở Quảng Ngãi, và cả nước Việt nhưng mang tính đại diện, phác họa lại bức tranh Việt Nam đầu thế kỷ XX - từ việc các bậc cha mẹ đã rơi nước mắt khi con đi học và phải bỏ đi búi tóc trên đầu, việc học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, xa dần chữ Nho,…

Mèo suy tư

Chưa bước sang năm 1963, Tạp chí Phổ Thông đã bắt đầu giới thiệu cho độc giả biết trong Tạp chí Xuân năm Quý Mão 1963 có những nội dung gì đặc sắc. Thời đó, nhà báo Nguyễn Vỹ đã xây dựng được cộng tác viên ở nhiều nước tham gia viết bài. Có 10 nhà báo được giới thiệu sẽ có bài viết trên tạp chí Xuân Quý Mão, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Cổn, bác sĩ Nguyễn Trần Huân ở Paris (Pháp); Chettur ở New Dehli (Ấn Độ), Bùi Cẩm Thúy ở Mỹ, Nông Bằng Giang ở Tokyo (Nhật Bản), Hồng Anh ở Bruxelles (Bỉ),…

Những số Tạp chí Phổ Thông giới thiệu tờ báo Xuân Quý Mão đều có in chú mèo. Hình ảnh chú mèo được in trên trang 2-3, cùng với những thông tin kiểu lời rao: “20 tháng Chạp ta, phát hành ngày 15/1/1963, số lượng 30.000 bản, phụ trương ngoại ngữ 16 trang, đăng 10 bài thơ hay nhất của cuộc thi Hoa Thơ Xuân...”.

Chú mèo có khuôn mặt lo lắng xuất hiện trên báo xuân chứa đựng điều gì về sự kiện chính trị, hay nỗi lòng người Việt Nam vào mùa xuân năm Quý Mão 1963? Hay đó là chú mèo ngồi nhìn thời cuộc qua lăng kính của một ông giám đốc, tổng biên tập đã bao phen chìm nổi vì tham gia đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam?

Cuộc đời của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ trải dài khắp 3 miền đất nước vào thời Pháp thuộc. Ông từng học tại Trường Trung học Pháp – Việt tại Quy Nhơn từ năm 1924 đến năm 1927 thì bị đuổi vì tham gia phong trào bãi khóa, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau đó ông ra Hà Nội học, thi đỗ Tú tài toàn phần vào năm 1932. Ông vừa đi dạy tại Trường Thăng Long, vừa viết cho tờ L’Ami du Peuple Indochinois, La Patrie Annammite. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Vỹ hiện đã được tái bản nhiều lần.

Sau tròn 60 năm, ông Huỳnh Trần Lâm, quê ở Quảng Ngãi, chủ nhà sách tư nhân Huỳnh Trần Nuôi kể tôi nghe niềm háo hức khi đón nhận tờ báo Xuân năm ấy. Năm đó nhà sách của ông cũng đặt hàng chục số Tạp chí Phổ Thông. Chưa đến Tết, khách đọc sách đã liên tục ghé tới hỏi “bộ khi nào thì Tạp chí Phổ Thông số Tết của ông Nguyễn Vỹ về Quảng Ngãi? Năm nay sao có con mèo ngồi chống cằm…?”.

Thời đó không có máy photocopy, vì vậy trí nhớ của những người đam mê đọc sách và thần tượng Nguyễn Vỹ trở thành chiếc máy sao lưu tất cả mọi chuyện để có thể kể lại từng chi tiết.

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, con gái của Nguyễn Vỹ hiện đang sinh sống tại thành phố Lyon, tỉnh Rhône (Pháp) chia sẻ thông tin, “hiện nay, trong chương trình kể chuyện đêm khuya của cộng đồng người Việt tại Pháp vẫn đang tiếp tục phát sóng các cuốn tiểu thuyết của cha tôi, trong đó có tiểu thuyết Dây bí rợ”.