Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Chống tham nhũng phải làm kiên trì, triệt để

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, ngày 18/3. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, ngày 18/3. Ảnh: TTXVN
TP - Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), sáng 18/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải kiên trì làm và làm triệt để, không bỏ lửng. Đồng thời, khi làm phải đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao, tất cả vì sự nghiệp chung, không nên “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Khẩn trương xét xử vụ Nhật Cường, Sabeco

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng trong thời gian qua tiếp tục được quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong những tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 6 vụ án/70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án/45 bị can; xét xử sơ thẩm 4 vụ án/15 bị cáo; xét xử phúc thẩm 1 vụ án/1 bị cáo; đồng thời mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không dừng”, “không nghỉ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực; khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. Nhiệm kỳ này phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu kết thúc điều tra 4 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án; xét xử phúc thẩm 8 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án: Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Giai đoạn 1); Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thu hồi tài sản phải tốt hơn

Về công việc trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Ban Chỉ đạo đã nói rất nhiều lần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; càng khó, càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa. Khẩn trương tháo gỡ những khó khăn và tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ, đã chín. Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để, chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo đúng Kế hoạch đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ của mình, phải làm quyết liệt hơn nữa, dù không có trong kế hoạch nhưng nếu tự phát hiện ra vẫn phải làm, trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Ban Chỉ đạo không làm thay hết tất cả, chỉ làm ví dụ một số vụ để làm gương, còn tất cả các cơ quan chức năng, các địa phương phải làm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kỹ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ.

Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo

Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tiếp tục kiện toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. “Phải kiện toàn Ban Chỉ đạo để hoàn thiện hơn, đúng với Điều lệ Đảng, đúng với pháp luật, đúng với quy định của Trung ương. Đây là cơ quan chỉ đạo, phối hợp hành động, phải bao gồm các thành phần, có đầy đủ vị thế, uy tín, năng lực, trình độ và bản lĩnh. Đồng thời lựa chọn cán bộ vào Ban Chỉ đạo phải rất mẫu mực, gương mẫu thì mới làm được”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, đồng thời nhấn mạnh nên có cơ chế thưởng, phạt đối với cơ quan, cá nhân làm tốt hoặc là không làm tốt.

“Trước hết các cơ quan chức năng phải làm đúng phận sự. Ban Chỉ đạo mạnh hơn, có sự phối hợp của nhiều cơ quan thì sẽ làm tốt hơn. Đây là cơ chế phối hợp, chỉ đạo tập thể, tạo sự thống nhất rất cao của cả hệ thống. Cần phân định rõ, không giẫm chân sang việc của người khác, khi làm đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao, tất cả vì sự nghiệp chung, không nên cua cậy càng, cá cậy vây”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Nhấn mạnh danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ thêm cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hai nội dung này liên quan với nhau. “Lợi ích kinh tế gắn liền với quyền lợi chính trị, với chức tước, với sự hư hỏng về đạo đức. Tôi cho cái này mới là cơ bản” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.