Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 5: Miền Trung: Cả ngàn dự án bỏ hoang chờ tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hàng ngàn dự án đầu tư công bỏ hoang nhiều năm nay trong xót xa của người dân, doanh nghiệp vì vướng quy định, cơ chế, pháp lý chưa được tháo gỡ.

Tại TP Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 dự án “đắp chiếu” vì vấn đề pháp lý liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và bản án. Chính quyền thành phố nỗ lực tháo gỡ nhưng nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền.

Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (tại xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) do Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 2.744 tỷ đồng từng kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có thủ tục pháp lý, đến nay dự án bị bỏ hoang, nhiều khu vực trở thành nơi chăn thả bò, cây cỏ mọc um tùm.

Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 5: Miền Trung: Cả ngàn dự án bỏ hoang chờ tháo gỡ ảnh 1

SVĐ Chi Lăng điển hình lãng phí tài sản công do quản lý lỏng lẻo. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngay trung tâm thành phố, sân vận động (SVĐ) Chi Lăng điển hình cho lãng phí kéo dài do lỏng lẻo về quản lý và giao đất. Cuối năm 2010, Đà Nẵng giao hơn 55.000m2 SVĐ Chi Lăng cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp, thu về ngân sách 1.251 tỷ đồng. Sau khi được tách thửa, cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất, Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh đã mang sổ đỏ cầm cố ngân hàng.

Cần nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ

Tiếp xúc với cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Trong quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra, các bản án tại TP Đà Nẵng nhiều nội dung phải có nghị quyết đặc thù của Quốc hội mới giải quyết được, trong đó có SVĐ Chi Lăng. “Có nhiều nội dung vượt thẩm quyền của thành phố, thậm chí bây giờ đưa ra Quốc hội để có nghị quyết đặc thù. Điều này cho thấy quá trình giải quyết những tồn tại, vướng mắc trước đây không đơn giản, không thể một sớm một chiều", ông Quảng nói.

Theo bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Cấp cao TPHCM trong vụ án Phạm Công Danh, SVĐ này là tài sản kê biên để thi hành án. Chính quyền Đà Nẵng đã xin Chính phủ trả lại số tiền 1.251 tỷ đồng để giữ lại SVĐ. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng (năm 2018-2019) Ngân hàng Xây dựng xác định toàn bộ diện tích đất SVĐ Chi Lăng và ông Phạm Công Danh có nghĩa vụ trả 8.408 tỷ đồng (nợ gốc 4.000 tỷ đồng, lãi phát sinh 4.408 tỷ đồng). Ngoài ra, theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất tại dự án này là trái luật, phải thu hồi thêm hơn 139 tỷ đồng. Do đó, việc Đà Nẵng xin lấy lại SVĐ Chi Lăng là không thể thực hiện. Từ một địa danh huyền thoại về thể dục thể thao của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trước đây) và là một di tích có ý nghĩa lịch sử, SVĐ Chi Lăng trở thành bài học xương máu cho việc quản lý, sử dụng tài sản công cho nhiều địa phương.

Đối diện Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, nằm bên bờ sông Hàn là dự án nhà hàng, bến du thuyền (hơn 100 tỷ đồng) bị bỏ hoang nhiều năm do liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ. Năm 2018, TP Đà Nẵng giao sở, ngành liên quan nghiên cứu thủ tục pháp lý để thu hồi dự án, tuy nhiên đến nay số phận dự án vẫn chưa được định đoạt.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Công ty I.V.C - chủ đầu tư dự án cho biết: “Nếu thành phố chuyển đổi công năng thì cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác theo đúng công năng đã phê duyệt. Còn nếu thu hồi thì phải đền bù thỏa đáng, không để bỏ hoang, lãng phí rất xót xa”.

Dân mắc kẹt bên cạnh dự án nghìn tỷ “hấp hối”

Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 5: Miền Trung: Cả ngàn dự án bỏ hoang chờ tháo gỡ ảnh 2

Bà Trần Thị Loan ngán ngẩm bên Nhà máy Ethanol Dung Quất bỏ không. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Đại dự án Nhà máy ethanol Dung Quất khởi công tháng 9/2009, có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, là nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học lớn nhất miền Trung với công suất tối đa 100.000m3 Ethanol/năm.

Bà Trần Thị Loan, trú thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từng hi vọng nhà máy hình thành tại đây sẽ giúp người dân “đổi đời”, thế nhưng tất cả đều ngược lại. Năm 2002 địa phương vận động, người dân chấp nhận nhường đất cho dự án. Khi nhà máy hoạt động phát sinh hôi thối, dân kêu trời, chính quyền và doanh nghiệp tổ chức di dời dân. “Nhà tôi đành nhường hết đất vườn, đất ở 1.800m2 để dời đi. Tuy nhiên, khi bồi thường chính quyền thu hồi sổ đỏ nhà tôi, nhưng chờ mãi không thấy bố trí nơi ở mới, nên hơn 10 năm qua chúng tôi sống mắc kẹt bên xác nhà máy”, bà Loan mệt mỏi.

Có 11 hộ dân khác ở thôn Đông Lỗ cũng đang sống cảnh tương tự. “Hàng chục năm qua nhà cửa xuống cấp do gió bão cuốn sập nhưng không ai dám nâng cấp, xây mới vì đất đai đã đền bù, sổ đỏ đã thu hồi rồi. Dân nhường đất cho dự án, nay nhà máy bỏ hoang sắp thành kho sắt vụn lãng phí, còn dân thì phải sống chui, ở lậu trên đất cũ của mình”, bà Loan bức xúc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tỉnh cũng rất mong muốn dự án này được tháo gỡ để tránh lãng phí cả về đất đai, nguồn vốn, tài sản đầu tư. Tuy nhiên, hiện mọi thứ đang chờ lãnh đạo Chính phủ xem xét, chỉ đạo".

Cảng 220 tỷ bỏ không vì thiếu thủ tục

Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 5: Miền Trung: Cả ngàn dự án bỏ hoang chờ tháo gỡ ảnh 3

Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão chưa thể hoạt động. Ảnh: Ngọc Văn

Năm 2019, cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão là một trong 3 thành phần của dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên-Huế được khởi công xây dựng. Dự án thực hiện từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh liên quan sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung gần 10 năm trước, với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2021, đến cuối năm 2023 mới hoàn thành, bàn giao cho Ban Quản lý cảng cá TT-Huế quản lý. Tuy nhiên đến nay cảng cá Thuận An mới vẫn chưa thể đưa vào vận hành, do chưa làm xong thủ tục xin công bố mở cảng, gây lãng phí rất lớn. Đáng nói, trong quá trình làm thủ tục xin mở cảng, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện dự án này vẫn chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá TT-Huế, cho biết, việc chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước là một trong những nguyên nhân khiến việc công bố mở cảng chưa được chấp nhận. BQL đã cho đo đạc xác định hiện trạng và đã gửi các cơ quan liên quan.

Tại Quảng Nam, dự án Hạ tầng Khu sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung tại xã Bình Nam huyện Thăng Bình có tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản và giống thủy sản suốt 8 năm nay bị bỏ hoang nhiều hạng mục gây lãng phí khiến dư luận bức xúc. Trong đó khu hành chính xây dựng 5 tỷ đồng, cùng trạm biến áp T1, trạm xử lý nước thải đã bị bỏ không, hư hỏng xuống cấp.

MỚI - NÓNG