Trong những ngày qua, dù là trước, trong hay sau Tết, Chính phủ đã có nhiều động thái rất quyết liệt, kịp thời để phòng, chống dịch. Ngày 27/1, dù mới là mùng 3 Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo các bộ ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới. Ngày 30/1, ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, trong đó phần lớn thời gian bàn về thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Trước đó, liên tiếp những ngày giáp Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư và chủ trì nhiều cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Có thể nói, tinh thần chống dịch của Chính phủ rất khẩn trương, đúng như Thủ tướng đã tuyên bố “chống dịch như chống giặc”.
Tất cả những thông tin về tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ ngành đều được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và cũng phòng trường hợp người cố tình thông tin sai lệch về dịch, Bộ Công an tuyên bố xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt về dịch bệnh.
Mặc dù vậy, không ít “anh hùng bàn phím” không bị nhiễm virus corona mới nhưng dường như lại nhiễm virus “điếc không sợ súng” cố tình đưa thông tin bịa đặt, không chính xác lên mạng xã hội nhằm mục đích câu view, trục lợi.
Trước ngày 30/1, khi chưa có người Việt Nam nào được xác định dương tính với virus corona mới, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin 1 người Việt Nam nhiễm virus phải cách ly tại Bệnh viện T.Ư Huế, 1 người Việt nghi nhiễm virus đang nằm cách ly tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), hay 2 người Trung Quốc nhiễm virus tại Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu).
Trong số này, chủ tài khoản Facebook tung tin đồn có người nhiễm virus corona mới tại Huế đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính 12 triệu đồng. Nhưng nguy hiểm hơn, khi một hãng hàng không thực hiện chuyến bay hỗ trợ đưa một đoàn khách du lịch người Việt Nam (đã được kiểm tra sức khỏe, không có dấu hiệu bất thường) từ Trương Gia Giới (Trung Quốc) về TP.HCM do chuyến bay của đoàn khách này bị hủy, nhiều tài khoản Facebook vội vàng quy kết hãng hàng không này rước virus về nước (!).
Tin đồn, tin sai lệch đã từng gây ra hậu quả khôn lường trong nhiều trường hợp, nhất là trong lĩnh vực y tế, liên quan tính mạng của nhiều người dân. Nếu mỗi người không biết tự bảo vệ bản thân trước những tin đồn thất thiệt trên mạng, công tác phòng, chống dịch do virus corona mới chắc chắn sẽ còn nhiều nan giải.
Vì thế, chống dịch như chống giặc nhưng “giặc” không chỉ là những con virus mới nguy hiểm có nguy cơ ngày một lan rộng nếu không ngăn chặn kịp thời, mà “giặc” còn là chính những tin đồn xuất phát từ cộng đồng mạng xã hội.