> Khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Xử lý mẫu đất bị nhiễm (ảnh do USAID cung cấp). |
Theo Đại sứ Mỹ, ngài David Shear, đây là nỗ lực của cả hai phía Mỹ và Việt Nam, nhằm chôn quá khứ đau thương, cùng bắt tay hướng đến tương lai tốt đẹp...
Đảm bảo an toàn
Theo Thiếu tướng Lê Huy Vịnh – Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân – chủ đầu tư dự án, dự án tẩy rửa dioxin được khởi động từ những năm 2009. Tuy nhiên, với sự phức tạp của công việc theo yêu cầu xử lý triệt để thì phải đến tận hôm qua, dự án mới bắt đầu.
Theo thống kê của Quân chủng cùng với USAID, hằng trăm cuộc họp, hội nghị, cùng với thời gian nghiên cứu, rà phá bom mìn bắt đầu từ năm 2011... cũng đủ để thấy, giải quyết tồn lưu chất độc chiến tranh từng hằn lên nỗi đau bao thế hệ chưa bao giờ là dễ dàng.
Dự án tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng có kinh phí 41 triệu USD (vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ) và 35 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án kéo dài từ 2011 – 2016. |
Ông Jamey Wattt – đại diện phía USAID cho hay, với công nghệ xử lý nhiệt, toàn bộ chất tồn lưu và trầm tích dioxin trong đất ở khu vực sân bay Đà Nẵng sẽ được làm sạch triệt để 100%.
Với công nghệ hiện đại của Đan Mạch, đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam, dioxin được tẩy rửa sạch, phần đất sau khi xử lý có thể canh tác, trồng hoa hoặc rau.
Theo Đại tá Thân Thành Công – Trưởng phòng Quản lý Môi trường (QLMT), Cục KHCNMT – Bộ Quốc phòng, trong các phương pháp xử lý dioxin (để nguyên; ngăn chặn tạm thời và vùi lấp cách biệt, xử lý vi sinh), thì cách thứ 3 là xử lý nhiệt mặc dù rất tốn kém nhưng là phương pháp tối ưu nhất.
Hiện nay, 2 điểm nóng còn lại là sân bay Phù Cát (Bình Định) và sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) theo tài liệu, bản đồ do phía Hoa Kỳ cung cấp là mức độ tồn lưu dioxin rất lớn.
Ở phía Tây Nam sân bay Biên Hòa có tới 4ha bị ảnh hưởng nặng nề đang được chôn lấp, xử lý vi sinh trong năm nay.
Trên thực tế, có không ít lo ngại với phương pháp hấp khử nhiệt khi điểm xử lý nằm trong sân bay Đà Nẵng, rất gần với khu vực hàng không dân dụng, là điểm lưu thông thường xuyên của các máy bay ra đường băng.
Ngoài ra, điểm tồn lưu cũng được nối thông qua đường cống ra với hồ Xuân Hòa A (Thanh Khê) và rất gần với hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh sân bay.
Bà Randa Chiakli – đại diện nhà thầu CDM Smith (đơn vị thi công, xử lý chính), khẳng định: Chúng tôi đã lường hết tất cả mọi tình huống và đảm bảo không ảnh hưởng tới hành khách, công nhân thi công hoặc nhân viên nhà ga... Công trường thi công sẽ được bịt kín bằng vải lụa, chỉ thi công ngày nắng, lúc gió nhẹ.
Toàn bộ 73 ngàn khối đất và trầm tích sau khi được đào sẽ đưa vào 1.254 giếng truyền nhiệt. Ở các giếng, nhiệt độ xử lý sẽ lên tới 335 độ C, có khoảng 95% dioxin sẽ tiêu tan và 5% còn lại hòa trong khói. Lượng khói này tiếp tục được thu gom, làm sạch rồi mới thải ra môi trường.
Ngoài ra, toàn bộ xe cộ, phương tiện thi công sau khi làm đều được rửa sạch tại chỗ, bằng các phương pháp sàng lọc tiên tiến. Tất cả đều phải đảm bảo không để lọt dioxin ra môi trường.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết, nếu dự án thành công sẽ tái tạo được 29ha đất phục vụ sản xuất kinh doanh và là tiền đề để tiếp tục xử lý tận gốc dioxin ở Phù Cát và Biên Hòa.
Chôn vùi quá khứ đau thương
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài David Shear kể rằng, năm 2010, ông đến sân bay Đà Nẵng và đi bộ tới vùng tồn lưu dioxin, thấy cây cối mọc thưa thớt, đất đai khô cằn. Rõ ràng, chiến tranh đi qua đã mấy chục năm, nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn quá nặng nề.
“Với những nỗ lực không ngừng của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, tôi hy vọng rằng, từ thời điểm này và sau vài năm nữa, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường. Cây cối sẽ lại mọc xanh tốt trên vùng đất đã được xử lý” – ngài Đại sứ nói.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chiến tranh dù đã lùi xa hơn 35 năm nhưng hậu quả của chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, hàng triệu ha rừng bị hủy hoại, hệ sinh thái rừng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, hàng triệu người bị phơi nhiễm.
Tuy nhiên, việc xử lý triệt để dioxin vẫn còn rất nhiều khó khăn. Phạm vi và mức độ ô nhiễm nhiều nơi vẫn chưa được đánh giá chính xác, một số khu nhiễm mới phát sinh, đang được phát hiện và chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Dự án thành công sẽ mang nhiều hy vọng cho việc xử lý các điểm nóng khác trên toàn Việt Nam, và đó cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Mỹ.
Còn Đại sứ David Shear cho hay, tẩy rửa dioxin chính là chôn vùi quá khứ đau thương, cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng. “Dioxin chính là di sản của quá khứ đau thương, vì thế, cách để hai nước cùng hợp tác tốt hơn nữa trong tương lai chính là phải chôn vùi nó”.
Giám đốc USAID, ông Francis Donovan giải thích: Câu slogan “Từ nhân dân Mỹ” của USAID chính là tấm chân tình mà hàng triệu người dân Mỹ gửi tới Việt Nam, mong nỗi đau do dioxin mà người Mỹ gây ra trong chiến tranh sẽ vơi bớt từng ngày.