Chọn người tài đức vào Quốc hội

TP -  Hoạt động của Quốc hội giờ đây không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của phòng họp, của nghị trường mà gần dân, sát dân, chung nhịp đập hơi thở của người dân hơn. 

Cách đây 75 năm, vào ngày 6/1/1946, trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài”, người dân Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện quyền làm chủ của mình khi tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên đó đã mở ra những trang sử mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước, khẳng định người dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình.

Thông qua Tổng tuyển cử, người dân của nước Việt Nam đã bầu nên Quốc hội, Chính phủ thống nhất, từ đó xây dựng và ban hành một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Trải qua chặng đường 75 năm, kể từ lần Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới, ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Hoạt động của Quốc hội giờ đây không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của phòng họp, của nghị trường mà gần dân, sát dân, chung nhịp đập hơi thở của cuộc sống của người dân hơn. Điều đó giúp những quyết sách mà Quốc hội đưa ra trong việc “bấm nút” đồng ý, hay không đồng ý đối với những dự án luật, những dự án…; hay đánh giá “tín nhiệm” đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sát với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng ngày càng ý thức được sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với cử tri. Tham gia Quốc hội giúp họ có nhiều “kênh” để tiếp xúc và hiểu hơn những tâm tư, đòi hỏi của cử tri đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Qua đó, các đại biểu đã không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ và kiến thức. Thay vì tham luận đơn thuần, nghị trường giờ đây xuất hiện nhiều hơn những cuộc “tranh luận nảy lửa”, những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, không né tránh.

Tuy nhiên, trong hoạt động của Quốc hội cũng còn có những hạn chế nhất định. Tình trạng “trình ra rồi lại rút về”, luật vừa ban hành đã phải sửa không còn là “chuyện hiếm”, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Một số đại biểu khi ra ứng cử còn có hành vi gian dối, khai báo thiếu trung thực, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn đến bị bãi miễn…

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2025 (ngày 23/5/2021). Đây là kỳ bầu cử nhằm chọn ra những người đại diện xứng đáng của nhân dân, thay mặt nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả các chức năng quan trọng là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề ra… Song, đạt được điều đó điều quan trọng là phải phát huy dân chủ, giới thiệu, hiệp thương, lựa chọn những người thực sự có tài, có đức, luôn lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân ra ứng cử; đồng thời cương quyết không để lọt những người ứng cử vào Quốc hội chỉ cốt “có ghế” trong nghị trường.

MỚI - NÓNG