Chối từ đại học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đó là 1/3 triệu người trẻ trong số gần 1 triệu thí sinh, dù đã miệt mài học hành thi cử, và có ý định đăng ký xét tuyển, nhưng đến phút chót lại từ chối vào đại học. Thống kê của Bộ Giáo dục, mùa tuyển sinh năm nay có tới 325 ngàn thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học lên hệ thống.

Có thể đây là kết quả của việc lọc ảo sớm, do thí sinh được biết điểm thi trước khi quyết định chọn trường. Nhưng lại là con số thí sinh từ chối vào đại học cao nhất những năm gần đây. Chưa kể ít ngày nữa, số lượng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học hẳn cũng không hề nhỏ.

Chối từ đại học ảnh 1

Tác giả Trí Quân

Dư luận, báo chí mấy ngày nay tỏ ra lo lắng, pha chút xót thương. Rằng “Những đứa trẻ ấy sẽđi đâu?”. Xin thưa, chả đi đâu cả! Họ vẫn đang ở bên ta, xung quanh ta. Chỉ có điều từ nay những cô cậu làm nghề giao hàng, bán hàng, xe ôm công nghệ, công nhân nhà máy sẽ ít, hoặc không sở hữu tấm bằng đại học mà thôi. Điều mà thế hệ anh chị của họ rất nhiều người đã trả giá bằng 4-5 năm học đại học tốn kém, để cuối cùng tấm bằng cũng xếp xó.

Gõ thử từ khóa “Bỏ bằng đại họcvề quê” (làm nông/nuôi lợn/gà/bò/nuôi dế/ốc ếch/chăn dê/lập nghiệp/khởi nghiệp...vv và vv...), sẽ cho tới 21,7 triệu kết quả trên google. Số lượt tìm kiếm thật khủng khiếp! Vậy thì vài trăm ngàn người trẻ tỉnh táo chối từ đại học từ sớm để chuyên tâm làm những công việc chân tay, ít cần kiến thức, học vấn, thì đã thấm vào đâu!

Nhưng tôi cho rằng thay vì thương xót cho những “đứa trẻ” chối từ đại học, thì hãy đau lòng cho thực trạng ngày càng nhiều người trẻ không muốn học đại học. Học mà xa rời thực tiễn, học mà không xin được công việc phù hợp, học mà toàn làm trái ngành trái nghề, học mà lương bổng không đủ sống, học mà khi bỏ bằng chuyển sang làm những nghề chân tay thu nhập lại khá khẩm ổn định hơn, thì học làm gì?!

Tất nhiên, thêm một nỗi chua xót “kép” ở đây, đó là ai cũng biết một quốc gia “ít học” thì sẽ khó mà phát triển được, chưa nói giàu có, thịnh vượng. Một chân lý không cần chứng minh, đó là những quốc gia giàu có văn minh nhất, thì tỷ lệ người qua đại học luôn dẫn đầu. Tỷ lệ người học đại học của Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất thế giới (khoảng 28,3%) trong khi các nước Thái Lan, Malaysia là 43 và 48%, chưa kể các nước phát triển. Ở ta khoảng 180 sinh viên/1 vạn dân, còn Hàn Quốc là 300-600 sinh viên/1 vạn dân...

Không học đại học vẫn làm được, sống được, thậm chí sống khá, nhưng đó chỉ là những công việc bình thường, chất lượng sáng tạo thấp, cơ bản chỉ để tự nuôi sống bản thân. Trong khi mối nguy rất lớn cho đất nước, đó là trình độ dân trí, trình độ lao động nói chung, hàm lượng nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nói riêng sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới. Những đứa con xuất sắc nhất của gia đình, của trường lớp phần nhiều đã ra nước ngoài học, rồi ở lại hay đi làm thuê cho thế giới.

Nên cho dù phù hợp với chủ trương phân luồng đào tạo, nhưng một khi thế hệ trẻ ngày càng lơ là với cổng trường đại học, thì đó là điều rất đáng lo ngại. Với hành trình của quốc gia trong tiến trình nhân loại.

MỚI - NÓNG