Một chữ, nhưng đủ toát lên nỗi lo lớn về nợ công và ngân sách mà Quốc hội đang bàn thảo.
Thành phố lớn nhất nước phía Nam đang xôn xao bàn luận về hai chữ “ùn tắc”. Quan đầu ngành giao thông thành phố định nghĩa: Xe cộ đứng yên một chỗ trên 30 phút mới được gọi là ùn tắc. Còn nhúc nhích được thì gọi là ùn ứ. Hèn gì, theo báo cáo, suốt cả năm 2014, thành phố 8 triệu dân đông nhất Việt Nam này mới chỉ xảy ra có… 1 vụ ùn tắc giao thông (!).
Tuyệt hơn, suốt 7 tháng đầu năm 2015, thành phố cũng không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào!? Các chuyên gia ngửa mặt lên trời than rằng, đứng yên tại chỗ trên 30 phút nghĩa là … đậu xe rồi, má ơi! Dân tình thì chỉ biết mệt mỏi gọi bằng hai chữ “kẹt xe”.
Ăn lương của dân thì lo tìm cách giải phóng nạn kẹt xe, cứu dân khỏi cảnh nhúc nhích giữa đường nắng nóng, hít khói, hít bụi đến no phổi, vậy thôi. Còn tranh cãi ùn tắc hay ùn ứ là chuyện của mấy ông, mang vô phòng lạnh mà bàn!
Ba chữ “đúng quy trình” dạo này cũng được xới lên ở nhiều nơi. Như những trường hợp bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trẻ, trên nghị trường mấy ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội thắc mắc “bổ nhiệm đúng quy trình, thế tại sao dư luận vẫn băn khoăn?”.
Ba chữ trên hẳn liên quan đến bốn chữ khác là “tâm phục khẩu phục”. Để dân thực sự tâm phục khẩu phục mới khó, chứ bổ nhiệm, cất nhắc xong, rồi kết luận đó là đúng quy trình, cũng chẳng để làm gì.
Vụ kỳ án Huỳnh Văn Nén kéo dài hơn 17 năm qua và ngày càng ly kỳ đến khó tin. Coi như bị can ngồi tù hơn 17 năm, để chờ cơ quan điều tra tìm thêm chứng cớ, củng cố hồ sơ buộc tội mình, dù liên tục kêu oan! Tìm được mấy chữ “tâm phục khẩu phục” trong vụ án này, quá khó.
Quy định đặt tên (người) không quá 25 chữ cái vừa được bỏ ra khỏi dự thảo Bộ luật Dân dự (sửa đổi). Không đợi đến con số 25, nhiều khi chỉ vài chữ, đã đau cái đầu rồi. Có dự án làm xong xuôi chợt thấy “thừa” ra tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Không gọi là “thừa” nữa, mà là “tiết kiệm”. Lý giải là do khâu quản lý điều hành tốt.
Giá mà các dự án đội vốn vài trăm triệu đô-la “điều chỉnh một tý đã rùm beng lên” một dạo cũng được quản lý chặt kiểu này, thì quan chức đâu có vạ miệng, ngân sách cũng dôi ra khối tiền để làm bao việc khác đang cần kíp.
Chơi chữ quen rồi. Thế mới có chuyện sếp tổng nọ giữa thanh thiên bạch nhật chốn đông người, nổi hứng đứng lên cầm càng bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát Quốc ca với lời mới ca ngợi… công ty, do chính sếp “độ” lại!
Đời, đến thế là cùng.