Sao chỉ xử lý hành chính?
ĐB cũng cho rằng việc trốn, chây ì nợ BHXH phải xử lý hình sự để răn đe; trong khi đó cơ quan BHXH cho vay cả nghìn tỷ đồng, với hàng trăm tỷ đồng thành nợ khó đòi mà chỉ xử lý hành chính là chưa thỏa đáng.
ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho biết, trong khi nợ quỹ bảo hiểm rất lớn, tới cả nghìn tỷ đồng, một thời gian dài BHXH Việt Nam lại tùy tiện cho Cty cho thuê Tài chính 2 vay 1.010 tỷ đồng. Đáng lưu ý, theo ông Phụng, từ năm 2009 đến nay Cty này đã mất khả năng trả lãi và tính đến năm 2014 mới trả được khoảng 207 tỷ đồng nợ gốc, số còn lại 772,3 tỷ đồng vẫn chưa trả được.
“Với khả năng trả nợ hiện nay, có lẽ hơn 40 năm nữa Cty này mới có thể trả hết số nợ trên, nhiều người trong chúng ta cũng không còn đủ thời gian để biết sự việc sẽ ra sao”, ông Phụng nói và cho rằng việc cho vay như vậy không chỉ tùy tiện, trái quy định mà còn làm thất thoát một số tiền rất lớn. “BHXH Việt Nam cần làm rõ trách nhiệm, trả lời cử tri tại sao lại để xảy ra như vậy”, ông Phụng nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc cho vay thực chất là hành vi cố ý làm trái, đến nay gây hậu quả rất nghiêm trọng là hơn 700 tỷ đồng có thể bị mất trắng. Thế nhưng, một số cán bộ của ngành chỉ bị xử lý hành chính là không thỏa đáng. “Nếu có một bộ máy BHXH tốt, thực hiện quản lý quỹ tốt thì cũng không cần phải tăng tuổi nghỉ hưu để khỏi đổ vỡ quỹ”, ĐB Cương phát biểu.
“Nữ 55, nam 60 đã thấy ì rồi”
Nhiều ĐB chung quan điểm chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu, bởi quan điểm tăng tuổi của Ban soạn thảo không phù hợp với Bộ Luật Lao động (sửa đổi 2012) và có thể gây áp lực cho ngân sách, làm mất cơ hội của lao động trẻ. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ, không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, vì tuy tuổi thọ người Việt Nam gần đây có tăng nhưng sức khỏe không tăng bao nhiêu.
“Khảo sát một số nhóm đối tượng trong đó có giáo viên, y bác sỹ cho thấy nam 60, nữ 55 đã ì ạch, ngại đọc, ngại viết và thiếu sáng tạo. Thực tế, có một số người đi làm thêm sau khi đã nghỉ hưu là y bác sỹ, giảng viên, nhưng vì thu nhập và tỷ lệ làm thêm cũng không nhiều”, ông Tiến dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) và một số ĐB cũng cho rằng, lao động trẻ được học tập bài bản cả trong, ngoài nước, cần được tạo việc làm, tạo cơ hội. Bộ Luật Lao động sửa đổi mới đây vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu, thậm chí lao động nặng nhọc còn được giảm thời gian công tác. Cùng một Ban soạn thảo mà đưa ra hai quan điểm như vậy là thiếu nhất quán, cần cân nhắc.
Nợ bảo hiểm - phải xử nghiêm
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) chỉ rõ, mục đích thu BHXH không đạt vì để thất thoát một lượng lớn tiền bảo hiểm từ các doanh nghiệp, trong đó có bảo hiểm của người lao động thời vụ. Theo bà Hạnh, dự thảo đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2016 (cho đến khi nữ đạt 60, nam 62) để tránh vỡ quỹ là “lợi bất cập hại”, sẽ lấy mất cơ hội của lao động trẻ, được đào tạo bài bản, còn đang thất nghiệp.
“Các đơn vị trốn, nợ BHXH ngày càng tăng, phải có giải pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời xử nghiêm đơn vị vi phạm” – ĐB Hạnh kiến nghị.
Các ĐB đề xuất có quy định siết chặt công tác thanh, kiểm tra đối với việc quản lý quỹ BHXH, xử nghiêm hành vi trốn, chây ì nợ bảo hiểm. Nhưng không nên đẻ thêm bộ máy thanh tra BHXH như dự thảo đề xuất. “Nợ BHXH là do công tác tổ chức thực hiện, phải làm rõ vì sao không cân đối được quỹ và cũng có thể đề xuất tăng thêm mức đóng...” – ĐB Phùng Đức Tiến nói. Trong khi đó, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng “trốn bảo hiểm phải xử nghiêm như trốn thuế, cao nhất phải xử hình sự để răn đe”.
Một số ĐB cho biết, việc để lại 3% tiền từ quỹ bảo hiểm trả cho ngành bảo hiểm, với hệ số lương tới 1,8 cũng không hợp lý. “Cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác lý do vỡ quỹ bảo hiểm là gì. Nếu lấy lý do đó để tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay là không phù hợp” - ĐB Nguyễn Minh Phương phát biểu.