Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội

TPO - Chợ Xuân Phương (Nam Từ Liêm - Hà Nội), được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ hạng mục, nhưng gần 10 năm qua, chợ bị bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người và trở thành nơi ở tạm của công nhân xây dựng.

Chợ Xuân Phương (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), dù nằm sát mặt tuyến đường đôi nối khu đô thị Xuân Phương đến QL 32 nhưng gần 10 năm qua, đây vẫn chỉ là một khu nhà nằm giữa bãi cỏ hoang rậm rạp, cao quá đầu người.

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 1

Chợ Xuân Phương bị bỏ hoang với khu vực cổng chính nhếch nhác, cỏ mọc khắp lối.

Nằm vị trí đắc địa giữa ngã tư gần các trường học, cổng chính vào chợ Xuân Phương luôn trong tình trạng nhếch nhác với cây leo bám tường và nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều khu vực đang được xây dựng dang dở trong khuôn viên chợ cũng không có người trông coi, làm việc. Không những vậy, khu nhà điều hành, khu chợ chính đã được hoàn thiện cũng trở thành nơi ở của một số công nhân xây dựng.

Buôn bán cách chợ khoảng 200m, bà Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi mong chờ chợ đi vào hoạt động để có chỗ che mưa che nắng cả chục năm nay nhưng đến giờ chợ đã xuống cấp mà chúng tôi vẫn chưa được sử dụng. Chợ hoạt động càng sớm thì dân chúng tôi càng vui".

Theo người dân ở gần chợ cho hay, do chợ Xuân Phương chưa đi vào hoạt động nên mọi việc mua bán diễn ra tại một chợ cóc cách đó vài trăm mét hoặc phải sang chợ Vân Canh (huyện Hoài Đức) cách 2km. Đã rất nhiều lần người dân kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến họ chỉ biết chờ đợi.

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 2

Cỏ mọc bao quanh khu vực nhà chính của chợ.

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 3
Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 4

Bên trong chợ được tận dụng thành chỗ để xe và chỗ sinh hoạt, ăn, ở trong thời gian dài.

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 5

Nhiều hạng mục ngoài trời của chợ xuống cấp nghiêm trọng.

Chợ tiền tỷ bỏ hoang, cây mọc thành ‘rừng’ ở Hà Nội ảnh 6

Khu vực xung quanh chợ thành nơi xả rác và tập trung các tệ nạn.

Năm 2016, dự án mở rộng chợ dân sinh phường Phú Đô được UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3551/QĐ-UBND ngày 12/11/2014. Ngày 20/8/2016, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm ra thông báo mời thầu thực hiện dự án mở rộng chợ dân sinh phường Phú Đô, giá gói thầu hơn 18 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ phần xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị của dự án).

Ông Nguyễn Thành Nam, Trường phòng Quản lý dự án số 1, Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Nam Từ Liêm cho biết, đầu 2018, chợ Xuân Phương đã được thi công cơ bản xong phần mặt bằng đã được bàn giao.

"Tuy nhiên, công trình vẫn còn vướng mắc phần mặt bằng chưa được giải phóng với hạng mục chợ ngoài trời có mái che, chợ ngoài trời không có mái che, nhà bảo vệ và khu vực tường rào khu vực phía Tây. Đến tháng 11/2022 tuy mặt bằng đã được giải phóng tuy nhiên chưa thể hoàn thiện do gặp nhiều khó khăn trong triển khai thi công", Trường phòng Quản lý dự án số 1 nói.

Theo Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Nam Từ Liêm, Hiện đơn vị đang đôn đốc nhà thầu thi công, triển khai sửa chữa, bảo trì các khu vực hư hỏng, xây dựng hoàn thiện phía ngoài trời. Dự kiến chợ Xuân Phương được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.

Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, Hà Nội hiện nay có nhiều chợ dân sinh vừa xây xong đã bị bỏ hoang, việc bỏ số tiền lớn xây dựng chợ dân sinh rồi bỏ hoang như vậy là lãng phí tài sản của nhà nước. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan khác như hệ thống siêu thị tiện lợi có mặt khắp nơi, mua bán online... khiến phương thức mua sắm của người dân cũng thay đổi so với trước.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.