TPO - Khoảng những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chợ Sắt là khu chợ đầu mối nổi tiếng sầm uất bậc nhất của thành phố Hải Phòng. Với các mặt hàng đa dạng, không riêng người dân địa phương, các người sinh sống tại tỉnh, thành lân cận Hải Phòng cũng thường xuyên lui tới khu chợ này để mua sắm.
Theo lời kể của chủ kinh doanh chợ Sắt, thời điểm ấy để có được một kiod ở đây chủ quầy phải chi từ 50 – 60 triệu đồng, chưa kể còn phải mất 3 - 4 “vé” (300 - 400 USD) cho “cò”. Tuy giá cả “trên trời” nhưng những tiểu thương Hải Phòng vẫn dốc vốn liếng bởi kinh doanh ở đây là “làm chơi ăn thật”.
Thời hoàng kim, tiểu thương có sạp hàng trên chợ Sắt mỗi ngày phải lời vài “chỉ”, nhiều quầy kinh doanh chưa tới một năm đã hồi số vốn mua kiod.
Chợ Sắt Hải Phòng thời Pháp thuộc (nguồn internet). Đến năm 1992, sau sự cố cháy chợ (năm 1985) chợ Sắt được khởi công xây dựng thành trung tâm thương mại, dịch vụ với thiết kế quy mô xây dựng gồm sáu tầng (diện tích mặt bằng hơn 13 nghìn m2, diện tích sử dụng gần 40 nghìn m2) với vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD. Khu vực chợ đang phát triển tự phát sẽ được xây dựng mới, khang trang hơn 2.000 gian hàng, ba tầng trên thành khách sạn, nhà hàng, vũ trường và khu văn phòng.
Chợ Sắt Hải Phòng ngày nay. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động việc kinh doanh tại chợ Sắt không còn huy hoàng như xưa. Các hộ không buôn bán tập trung tại chợ Sắt mà di dời tới các tuyến phố xung quanh như Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Ký Con, Hoàng Ngân, Phạm Hồng Thái,...
Dần dần, từ hơn 1.000 hộ đăng ký kinh doanh trong chợ sụt xuống còn hơn 300 hộ. Toàn bộ tầng 2 và 3 của chợ Sắt bị bỏ trống sau biến thành nhà kho. Theo năm tháng, chợ Sắt sầm uất, nườm nượp “kẻ mua người bán” ngày ấy giờ trở nên đìu hiu, vắng vẻ.
Khu chợ đìu hiu vắng vẻ giữ trung tâm TP, Hải Phòng. Qua ghi nhận thực tế của PV, chợ Sắt hiện tại chỉ còn vài chục hộ kinh doanh đồ điện tử còn hoạt động nhưng lượng người mua hàng khá ít. Ngay cả những quầy hàng bên ngoài mặt tiền của chợ cũng chỉ có lác đác vài người ghé mua hàng.
Khu chợ xuống cấp trầm trọng. Cơ sở hạ tầng chợ Sắt sau nhiều năm hoạt động nhưng không được đầu tư tu sửa nay đã xuống cấp trầm trọng. Tường của tòa nhà bao phủ bởi những vết mốc, mảng vữa bong trở nên loang lổ. Trên trần tường bị nứt thành những rãnh dài, phần vữa, gỗ bên trong nay chỉ trực rơi xuống.
Cầu thang cuốn hiện đại nhất thời bấy giờ nay phủ kín bụi, thành cầu thang bộ theo thời gian cũng han gỉ, cũ kĩ. Khu vực tầng hai của chợ Sắt với diện tích hàng nghìn m2 đến nay vẫn bỏ trống không kinh doanh, các kiod hàng được quây kín bằng ván gỗ và khóa chặt.
Mất đi diện mạo khang trang, sáng sủa của ngày mới khánh thành, tầng 2 chợ Sắt nay hoang vắng, tồi tàn. Các hộ kinh doanh điện tử tận dụng khu vực này để “mông” loa nên phần vỏ loa la liệt khắp nơi, thậm chí còn vất thành đống trên mái tôn của tầng một. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó cũng có nhiều nhà hàng kinh doanh đồ ăn, quán game, vũ trường thuê mặt bằng trên tầng 3, tầng 4 của chợ Sắt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian các hộ kinh doanh này cũng rời đi vì không có khách. Đến chợ Sắt của hiện tại, có lẽ ai cũng không nhận ra hình dáng của một khu chợ đầu mối sầm uất, nổi tiếng và mang ý nghĩa đặc biệt của thành phố Hải Phòng năm nào. Mới đây, tại cuộc họp với các Sở, ngành, đơn vị báo cáo về tình hình hoạt động không hiệu quả của Trung tâm thương mại chợ Sắt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã đưa ra quan điểm cần thu hút các nhà đầu tư để thực hiện Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê thay thế cho chợ Sắt đang ngày càng xuống cấp. Trước thông tin trên, đa số người dân cảm thấy việc đầu tư xây dựng mới chợ Sắt là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, chợ Sắt nằm tại vị trí đắc địa thuộc dải trung tâm của thành phố Hải Phòng nếu vẫn để hoạt động theo mô hình cũ thì rất lãng phí. Mặt khác, nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối bởi chợ Sắt từng là trung tâm buôn bán vang danh một thời. Dù đã suy tàn nhưng đây cũng là niềm tự hào của thành phố Hải Phòng. Thay thể bởi một trung tâm cao cấp, hiện đại có lẽ sẽ đánh mất cái “hồn” vốn có của chợ Sắt.