Chợ phiên container độc đáo của giám đốc 8x

Hoàng Tuấn Anh lập nên mô hình chợ phiên container đầu tiên tại Việt Nam.
Hoàng Tuấn Anh lập nên mô hình chợ phiên container đầu tiên tại Việt Nam.
Bôn ba ở nước ngoài 13 năm và đạt không ít thành công, Hoàng Tuấn Anh vẫn quyết định về Việt Nam khởi nghiệp với ý tưởng độc đáo, trong đó có dự án khu phức hợp lắp ráp từ container.

Gia đình có điều kiện nên sau khi hết trung học năm 2000, Hoàng Tuấn Anh xin đi du học tự túc tại Melbourne, Australia. Không ỷ lại vào sự giúp đỡ của gia đình, Tuấn Anh đã đi làm thêm để tự do trang trải một phần nào tiền học phí và tạo dựng cho mình một sự nghiệp sau này.

“Cứ 5h sáng khi nhiệt độ bên ngoài khoảng 5 độ, trời lạnh buốt, tôi lại lỉnh kỉnh dựng khung treo đồ, gian hàng quần áo... vì buôn bán hàng ở chợ trời”, Tuấn Anh nhớ lại và không quên những lúc bị giàn giáo sắt làm dập tay, bầm tím.

Chính môi trường đầu tiên đã tôi luyện cho cậu thanh niên kỹ năng bán hàng và ý chí rèn luyện cao. “Tại khu vực Queen Victory Market, khi gặp bất cứ khách hàng nào, người bán cũng niềm nở vui cười, luôn chào hỏi xã giao, hỏi về sức khỏe, còn bán được hàng hay không thì không đặt nặng, cái quan trọng là phải chiếm lấy tình cảm của khách hàng đã”, Tuấn Anh chia sẻ và cho biết thêm nhờ tiếp xúc với nhiều người nên cậu hiểu về tính cách mua hàng của từng nước.

Từ những trải nghiệm tại các phiên chợ trời, cộng với năng khiếu buôn bán nên mỗi khi có cơ hội, chàng trai này không bỏ lỡ. Đó là thời điểm năm học đại học đầu tiên 2006, khi lĩnh vực điện tử, nhất là tivi vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ, lang thang trên mạng Tuấn Anh thấy những mặt hàng điện tử bị lỗi hay hàng trưng bày có giá chỉ khoảng 30-50% so với hàng mới. Nhận ra cơ hội, Tuấn Anh liên hệ với các nhà máy để mua hàng trả dần. Ngay lô hàng đầu tiên bán trên trang eBay, cậu du học sinh người Việt đã có lãi. Từ đó, ngoài việc học, cứ có thời gian rảnh là Tuấn Anh đi thu gom hàng, sau đó trực tiếp bán và giao hàng...

“Trong 3 năm tôi đã tích lũy được số vốn khoảng 100.000 đôla Australia, nhưng khi nhớ lại những lúc phải cõng những chiếc tủ lạnh hay máy giặt nặng cả trăm ký lên lầu 3 cho khách hàng, muốn quẹo xướng sống thì mới thấy kiếm tiền phải trả giá rất đắt”, Tuấn Anh bộc bạch. Sản phẩm anh chọn chủ yếu là tivi CRT, nhưng công nghệ càng ngày  càng thay đổi, dòng LCD nhanh chóng ra đời thế là việc kinh doanh đi xuống. Biết rõ thị trường luôn tiềm ẩn cả cơ hội và rủi ro, Tuấn Anh đã mạnh dạn buông ngành điện tử.

Nhận tấm bằng kĩ sư xây dựng cơ bản sau bốn năm đại học, mặc dù đây là nghành rất yêu thích và mơ ước, nhưng Tuấn Anh đã không đi theo nghề đã học, mà rẽ ngang con đường khác. Một lần tình cơ đọc báo, Tuấn Anh đặc biệt quan tâm đến chương trình do Chính phủ hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho những nhà dân nhằm tiết kiệm năng lượng trong hai năm trị giá khoảng 2 tỷ đôla Australia. Theo đó, mỗi nhà sẽ được hỗ trợ 1.600 AUD. Ví dụ, về mùa đông lắp những tấm cách nhiệt thì nhiệt độ sẽ không bay ra ngoài. Mùa hè trời nóng sẽ không ảnh hưởng bên trong, vì bên Australia đa số nhà đều làm bằng gỗ và mái bằng ngói, trong khi nhiệt độ thì rất khắc nghiệt.

Mặc dù còn 6 tháng nữa mới thí điểm chương trình, nhưng với linh tính của một người đã có kinh nghiệm buôn bán, sẵn với đúng chuyên môn mình đã học, Tuấn Anh lao vào tìm hiểu. Đầu tiên anh phải đọc hơn 1.000 trang tài liệu ròng rã 4 ngày 4 đêm liền vì theo như chia sẻ của chàng trai trẻ thì: “Vì đây là ngành đòi hỏi chuyên môn sâu, đọc mà phải hiểu cách chống cháy, khổ bao nhiêu, vật liệu là gì để phù hợp..., nên phải tranh thủ chứ không trễ một ngày thì cơ hội sẽ vào tay người khác”.

Nhưng công việc đi tìm nguồn sản phẩm không mấy dễ dàng, sản phẩm tấm cách nhiệt thì đâu cũng sản xuất, nhưng để tìm sản phẩm bền, rẻ, đẹp cũng rất gian nan. Do đó, Tuấn Anh phải bay qua Nga, rồi sang tận Trung Quốc trong khi mình chỉ biết tiếng Anh. Hơn nữa, sản phẩm muốn đưa vào sử dụng phải kiểm nghiệm rất khắt khe, đúng chuẩn của Australia, và phải test tận bên New Zealand. Lúc đó, Tuấn Anh lại nhớ những lời dạy của cha: “Ba là con nhà nông, mày là con của bác sĩ, có điều kiện tốt hơn người khác thì phải cố gắng nhiều hơn”, Tuấn Anh xúc động nhớ lại ba mình đã tự lập khi 13 tuổi và học suốt 13 năm liền mới trở thành bác sĩ chuyên khoa như bây giờ.

Đúng như dự tính, dự án đi vào hoạt động, Công ty T&T Furniture của Tuấn Anh đã trở thành một trong hai công ty đầu tiên tại Australia phân phối và thi công tấm cách nhiệt. Thời cơ đến, công ty phất lên nhanh chóng, các đơn hàng liên tiếp dồn về. Do thị trường thiếu hàng, nhiều lúc khách hàng cứ đưa tiền trước, giúp Tuấn Anh mỗi ngày làm được 3-4 căn nhà, mỗi căn lãi 500-800 AUD. “Lần đầu tiên tôi nhận tấm chi phiếu 200.000 AUD cho đơn hàng 20 container, cảm giác rất sung sướng”, Tuấn Anh nói.

Mô hình này lúc đầu chạy rất tốt, nhưng sau một thời gian, Chính phủ dần phải chịu áp lực chi phí tốn nhiều quá, thêm việc có một số công ty làm ẩu chạy theo số lượng.

"Thông thường với 3 đội thi công, tôi chỉ làm 3 căn, nhưng có công ty làm tới 10 căn nên xảy ra tình trạng làm ẩu gây cháy một số nhà dân buộc Bộ trưởng chịu trách nhiệm và tuyên bố ngưng chương trình. Lúc đó tôi bị sốc nặng, trong khi 1 triệu AUD tiền hàng vẫn đang nằm trên biển. Tính lại, tôi lỗ 500.000 AUD”, Tuấn Anh cho hay.

Trong khi chờ chủ trương đền bù của Chính phủ, bất ngờ công ty của Tuấn Anh nhận được lời mời thi công từ khu cảng sản xuất tàu ngầm của Australia với hợp đồng khoảng 50.000 AUD. “Vì là khu quân sự nên họ không cung cấp bản vẽ. Các công ty khác ở Australia không dám nhận, nên tôi mới dùng hình vẽ vệ tinh và dùng các phép tính toán tỷ lệ, độ chính xác từng milimet. Vậy là lại tất tả bay về Việt Nam kết hợp với một công ty hỗ trợ thiết kế, còn mình thi công", Tuấn Anh kể và cho biết kết quả không ngờ sau hai tháng thi công mang lại thành công và được sự tín nhiệm của chính phủ rất cao.

Trong những lần bay đi về Việt Nam thăm gia đình, phát hiện thấy mẹ kinh doanh phòng trọ, dùng chìa khóa cơ rất bất tiện vì cứ phải cầm cả xâu lỉnh kỉnh, và lại hay bị mất cắp vặt, thế là Tuấn Anh lao vào tìm hiểu lĩnh vực này. Trên thị trường cũng có các loại khóa điện tử nhưng giá cao, chưa đầy đủ tính năng thông minh.

“Chúng ta hay có tâm lý khi ra khỏi phòng luôn tự hỏi đã dập cửa chưa, hay khóa trái chưa...? Nay có khóa điện tử thì chiếc phòng như một két sắt rất tiện dụng. Tôi xác định đây là sản phẩm của tương lai”, Tuấn Anh kể về nguyên nhân đem thương hiệu PHG Lock từ Australia về phân phối độc quyền ở khu vực Đông Nam Á.

Năm 2013, Tuấn Anh quyết định về hẳn Việt Nam vì muốn gần cha mẹ, vả lại nhận thấy ở Việt Nam giá thuê nhân công rất rẻ so với thế giới, như tại Australia anh phải trả cho nhân viên của mình tới 4.000 AUD mỗi tháng. 

Sau hai năm điều hành công ty, hiện Tuấn Anh đã có 50 nhân viên với 150 đại lý, 40 trạm bảo hành, doanh thu hàng năm khoảnh 30 tỷ đồng. Nhưng trong thâm tâm của mình, chàng kĩ sư xây dựng vẫn mơ thành lập một siêu thị về nghành xây dựng cùng các sản phẩm liên quan. Và mở đầu cho kế hoạch này là mô hình Eco Box với tổ hợp gồm các cửa hàng mua sắm, ăn uống được làm từ container cũ độc đáo và thân thiện với môi trường đặt tại khu dân cư Celadon City tại quận Tân Phú, TP HCM.

Những container có thể sử dụng 20-50 năm, được trang trí với nhiều màu cờ các nước, tạo sự quan tâm của giới trẻ và khiến nhiều cư dân nước ngoài đang sinh sống tại đây cảm thấy như đang ở quê nhà.

Tuấn Anh cho biết, sở dĩ anh quyết tâm làm mô hình này mà không đặt ở khu vực trung tâm là vì người dân vùng ven lâu nay ít có cơ hội họp chợ, vui chơi giải trí. Dự án là sự kế thừa từ mô hình những ngôi nhà gỗ nhiều màu sắc nổi tiếng trên bãi biển Brighton ở Australia, được xây dựng trên khu đất rộng 3.600 m2 với hơn 300 gian hàng thuận tiện cho việc tổ chức hội chợ quy mô vừa trở lên, diện tích gian hàng đa dạng từ 6 đến 120 m2. Eco box đặt tiêu chí đảm bảo sự tiện nghi và thoáng mát cho người sử dụng bằng việc xây dựng nhà lồng kép, có dịch vụ làm mát máy lạnh, đầy đủ điện nước, hệ thống chiếu sáng...

Giám đốc sinh năm 1985 này tính toán khả năng thu hồi vốn của dự án khá nhanh với trung bình mỗi container cho thuê giá 3-5 triệu đồng một tháng. Giai đoạn một, Tuấn Anh đã đầu tư 5 tỷ đồng để làm 22 container. Bước sang giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư nâng lên thành 10 tỷ với tổng cộng 45 container và dự kiến hoàn vốn trong 2-3 năm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG