Từ mờ sáng, phố núi Pleiku còn sương giăng rét buốt, nhiều thanh niên làng Lang đã có mặt ở ngã ba Kho Gạo (đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai). Không cần hẹn , mọi người vẫn đến rất đông. Họ đứng gần nhau, chào hỏi xã giao. Những tiếng cười buổi sớm phần nào xua tan cái lạnh.
Anh Uin (38 tuổi) chia sẻ: “Bây giờ hết mùa màng, việc nhà ít nên tranh thủ đi làm thêm. Từ sớm mình đã đứng đợi ở đây, ai gọi làm gì thì làm cái đó: từ bốc vác, khiên hàng, dỡ nhà… đều nhận. Do việc không sẵn nên ai cũng tranh thủ đi sớm, có hôm 6 giờ sáng đã có người gọi bốc hàng, muộn thì 9-10 giờ đêm mới về tới nhà.
Làm kiểu này cũng hên xui, may mắn thì kiếm được 150-300 nghìn đồng/ngày, có khi về tay không. Thường anh em thường được người ta gọi bốc gạo, đậu, phân bón, sắt thép… mỗi tấn 25.000 đồng. Nặng nhọc nhất là bốc đậu xanh, đậu nành. Mỗi bao nặng cả tạ, vác oằn cả lưng”.
Uin cho biết, gần Tết nên đi làm thêm kiếm tiền mua gạo, bánh trái, rượu bia cho vui cửa nhà. Gia đình khó khăn, chỉ có vài sào đất làm ruộng vườn. Cuối năm, chồng đi “bán sức” còn vợ mang rau ra chợ . “Bốc vác này chỉ làm trong thời gian ngắn thôi chứ lâu dài không trụ được. Mỗi ngày cõng trên lưng hàng chục tấn, lỡ bệnh tật thì khổ” !
Theo kinh nghiệm, những nơi có nhiều kho hàng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng… thì sẽ có nhiều việc làm và việc tụ tập số đông cũng là một cách để thu hút người thuê. Puih Uyl (34 tuổi, làng Khưn, phường Trà Bá) kể : trong thành phố có 2 địa điểm nhiều lao động tụ tập nhất là ở đường Trường Chinh và Lê Duẩn, mỗi chỗ có khoảng 40-50 người độ tuổi từ 16-40, chủ yếu là thanh niên ở các làng vùng ven thành phố.
“Mặc dù nhiều người làm nhưng anh em chưa bao giờ xảy ra tranh giành hay xô xát. Nếu nhóm này được gọi làm trước thì lần sau tới lượt nhóm khác. So với mọi năm thì năm nay ít việc hơn, do các doanh nghiệp chủ động thuê người làm theo tháng, để được gọi có khi ngồi phơi nắng cả ngày. Lỡ hứa với 2 đứa con Tết này mua đồ chơi, có phơi nắng cũng chịu ! ”, Puih Uyl cười.
Cực nhọc vẫn vui.
Mới đi làm một thời gian, Ksor Lyn (25 tuổi, làng Lang) khoe: “Trông em nhỏ con vậy thôi chứ khỏe lắm, ngày đi bốc vác tối về còn đi tập thêm thể hình. Bữa giờ em mua được 3 bao gạo, bánh kẹo cho gia đình lo Tết rồi. Thấy đi làm có tiền mua đồ về nhà, dành dụm tiền tiêu nên ba mẹ cũng vui”. Nghĩ về ngày Tết cận kề, Ksor Lyn vác bao gạo nặng trên vai mà vẫn cười.
Chị Phạm Thị Thanh Thúy quản lý kho Bốn Gạo, đường Trường Chinh cho hay, Chợ người tự phát tại một điểm nên việc thuê lao động bốc hàng ra vào kho của đại lý khá thuận tiện, khoán theo sản phẩm. Hàng ngày, chúng tôi tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động. Họ thật thà, chăm chỉ, Tết năm nào đại lý cũng hỗ trợ thêm 2-3 triệu đồng cho anh em mua heo, gà liên hoan.
Post by Báo Tiền Phong.