Trên đoạn đường ven đê dài gần 2 km dẫn vào làng Đông Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) - ngôi làng giàu nhất Việt Nam, một chợ mua bán gỗ vụn ngày nào cũng họp. Gỗ được bán tại chợ này chỉ có một loại là trắc. Giá bán loại hàng đặc biệt này cũng tương đối đặc biệt, dao động vài nghìn đồng đến 40-50 triệu đồng.
Theo người dân ở Đồng Kỵ, chợ gỗ này tự sinh, tự phát được gần 4 năm nay. Ban đầu, đoạn đường này chỉ là điểm tập trung của một vài bãi chứa gỗ từ làng nghề. Về sau, hoạt động buôn bán diễn ra đông đúc nên những người dân tứ xứ đến bán tràn lan và họp thành chợ.
Chợ diễn ra hàng ngày, từ khoảng 5h sáng cho đến tối mịt. Chủ của các gian hàng chủ yếu là người ở vùng Hà Tây cũ (nay là Hà Nội).
Tất cả các loại gỗ trắc, từ những mảnh gỗ vụn cho đến những tấm ván thô hoặc đã qua sử dụng, được sơn, bào đều được bày bán tại đây. Gỗ vụn, thô thường bán theo cân với giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Những tấm ván dài, nguyên mảng to có giá từ 10 đến 50 triệu đồng/tấm.
Những trụ gỗ trắc này được rao bán giá 10 triệu đồng.
Khoảng đến 9h sáng, chợ bắt đầu tấp nập kẻ bán, người mua. Khách đi mua gỗ thường cầm theo thước dây.
Anh Thanh, một người dân ở Đồng Kỵ cho biết trắc là loại gỗ quý hiếm nên mới có mức giá đắt đỏ như vậy. Có 3 loại gỗ trắc là đen, vàng, đỏ, trong đó trắc đen và trắc đỏ là hai loại đắt tiền hơn cả. Tiền giắt lưng đi chợ của anh mỗi phiên cũng lên tới cả vài chục triệu đồng.
Một nửa khách mua ở đây là người ở Trung Quốc. Các tiểu thương phải treo biển quảng cáo chi chít chữ Trung Quốc tại quầy hàng.
Theo một số người bán ở đây thì việc buôn bán gỗ rất mạo hiểm, có người xây nhà lầu nhưng cũng không thiếu kẻ phải đổ nợ. Chị Lan, người Hà Nội đang thuê một gian hàng buôn gỗ tại đây cho biết: "Có năm gỗ bán chạy, người Trung Quốc sang mua nhiều, chỉ trong một năm người bán ở đây có thể mua đất, xây nhà, thậm chí là tậu xe hơi. Thấy thế, nhiều người đua nhau thế chấp tài sản vay lãi ngân hàng, thậm chí là vay lãi ngày để buôn gỗ. Nhưng giữa năm nay, sức mua tại chợ tự nhiên giảm hẳn, nhiều tiểu thương bị đọng vốn rơi vào tình trạng phá sản".
Chị Lan chia sẻ, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị đều đến chợ từ sáng sớm và bán đến 18-19h mới về. Chồng chị Lan chuyên đi thu mua gỗ quý ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí sang cả Lào, Thái Lan... về cho vợ bán. Ngoài mặt hàng gỗ trắc, gỗ cẩm, thỉnh thoảng chị cũng bán gỗ sưa. Có những ngày, doanh thu bán hàng lên đến cả trăm triệu đồng.