Chiều 29/6, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã làm việc với UBND TPHCM về tình hình thực hiện các dự án vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn TPHCM. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã kiến nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xem xét, cho các chuyên gia Nhật nhập cảnh vào Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
“Tuyến metro số 1 đang tăng tốc để về đích. Mọi phần việc cố gắng thực hiện trong năm nay. Năm nay là năm tăng tốc để dự án có thể hoàn thành vào cuối 2021. Chuyên gia sang sẽ mang theo đầu máy, toa xe để tiến hành chạy thử. TPHCM thấy việc này là bình thường. Họ sẽ cách ly, làm việc ở nhà trong 14 ngày, điều hành trực tuyến. Hết thời hạn cách ly thì mới được phép đến công trường”, ông Hoan nói.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, TPHCM có nhiều dự án ODA nhất cả nước với 9 dự án lớn. Vừa qua, TPHCM đã tích cực thực hiện chỉ đạo của thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có các dự án vốn ODA. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của thành phố chỉ đạt 10,36% kế hoạch vốn, trong đó dự án vốn ODA chỉ đạt hơn 20% là còn rất thấp.
“Tôi đi thị sát metro, khối lượng thực hiện đã đạt trên 73%. Rất phấn khởi. Nếu giải quyết được vướng mắc của dự án này thì sẽ TPHCM sẽ nâng tỷ lệ giải ngân vốn ODA… Việc giải quyết cho các chuyên gia nước ngoài quay trở lại dự án có thể giải quyết ngay. Không chỉ đối với dự án tuyến metro số 1 mà tại các dự án khác, mình đã “mở” rổi. Các chuyên gia sẽ thực hiện biện pháp cách ly tại cơ sở sản xuất. Mình đã giải quyết cho các chuyên gia của công ty Samsum Việt Nam, dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội)...”, Phó Thủ tướng cho hay.
Trước đó, báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết có 83 chuyên gia đang bị kẹt tại Nhật chưa thể sang Việt Nam do đại dịch COVID-19, dẫn đến kế hoạch nhập đoàn tàu về chạy thử bị ảnh hưởng.
Theo ông Bùi Xuân Cường, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) gồm 4 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị. Đến thời điểm này gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đã đạt 70,6% khối lượng. Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 84%. Gói thầuy CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng trong thời gian 5 năm đầu) đạt 57,4%. Tổng khối lượng thực hiện của dự án đến nay đạt khoảng 73,5%. Dự án dự kiến hoàn thành và khai thác thương mại vào cuối năm 2021.
Đáng lưu ý tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết qua thẩm định của Bộ KHĐT, các dự án đường sắt đô thị (metro) đang triển khai trên phạm vi cả nước công nghệ không đồng bộ và không kết nối với nhau.
Ông Thắng dẫn chứng: Metro tại TPHCM công nghệ hoàn toàn tự động, còn metro ở TP Hà Nội thì bán tự động. Tại TPHCM, tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 sử dụng hai công nghệ khác nhau. Tuyến metro số 5A nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha công nghệ khác với tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 là lấy điện dưới thấp, trong khi tuyến metro số 1 và số 2 lại lấy điện trên cao…
“Bộ Giao thông Vận tải cần có quy hoạch chung về công nghệ. Nếu nhập khẩu dự án như hiện nay, công nghệ không đồng bộ thì việc tích hợp các hệ thống, vận hành trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa nói, việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng sẽ rất tốn kém”, ông Thắng cảnh báo.