Sáng 29/6, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã đến thị sát công trường thi công dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Trực tiếp hướng dẫn đoàn thị sát có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các sở ban ngành chức năng của thành phố.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra công tác thi công đường hầm metro, ga Ba Son (quận 1) thuộc gói thầu CP 1B và nhà ga Khu Công nghệ cao (quận 9) thuộc gói thầu CP2. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ân cần thăm hỏi đội ngũ chuyên gia nước ngoài, kỹ sư và công nhân đang thi công tại công trường.
Báo cáo với Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết theo Quy hoạch giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM có tổng cộng 8 tuyến metro với tổng chiều dài hơn 200 km, trong đó tuyến metro số 1 đang triển khai thi công. Tuyến metro số 2 đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên với chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012. Đến nay dự án đã đạt tổng khối lượng hơn 72%.
Riêng Ga Công nghệ Cao đặt tại vị trí đối diện Khu Công nghệ Cao (Quận 9). Nơi đây trong tương lai sẽ là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM theo hướng xây dựng nơi đây trở thành vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM nhanh, bền vững và tiếp tục đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của cả nước.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Ga Công Nghệ cao một trong 11 ga trên cao thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TPHCM đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính và hiện đang đẩy nhanh các công đoạn cuối cùng. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống thông gió, cơ điện, các nội thất bên trong.
Ga Công Nghệ cao có tổng chiều dài hơn 137m, quy mô 2 tầng, thiết kế hiện đại. Tại 2 tầng thuộc nhà ga này hiện đang được đơn vị thi công lắp đặt các hạng mục như thang máy, thang cuốn, phòng thiết bị cùng thiết kế lối đi cho người khuyết tật...
Tầng 1 được thiết kế gồm sảnh chờ, nơi thu phí tự động, các phòng thiết bị, khu thương mại... Còn tầng 2 là nơi tàu dừng đỗ để đón, trả hành khách.
Mỗi nhà ga trên cao của tuyến metro số 1 sẽ được xây dựng 1 cầu bộ hành và đồng thời sẽ có các tuyến xe buýt kết nối với nhà ga, cùng bãi giữ xe máy ... Việc này nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân đến nhà ga khi tuyến metro số 1 đưa vào khai thác.
Tại gói thầu CP1b, lãnh đạo MAUR cho biết các đơn vị thi công đã thiết lập mảng xanh, tạo cảnh quan tại khu đất trống trước Nhà hát TPHCM nhằm chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020). UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, thiết kế đồng bộ, tổng thể cảnh quan trục đường Lê Lợi từ Nhà hát TPHCM đến chợ Bến Thành, trong đó sẽ tái lập lại Công viên Lam Sơn (trước Nhà hát) như trước đây.
Ga Nhà hát TPHCM cùng với ga Ba Son là một trong hai ga ngầm của gói thầu CP1b thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m, gồm 4 tầng.
Cụ thể: Tầng 1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động…), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách.
Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Tầng 3 là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga.
Tầng 4 gồm sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc hoàn trả mặt bằng sớm hơn 127 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu, trong đó tầng B1 Ga Nhà hát TPHCM đã cơ bản hoàn thiện sớm hơn 96 ngày so với kế hoạch là nỗ lực rất lớn của các nhà thầu, MAUR và thành phố trong thời điểm còn nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Dự kiến cuối năm nay, tuyến metro số 1 sẽ đạt 85% khối lượng toàn dự án và hướng tới mục tiêu đưa dự án vận hành khai thác cuối năm 2021.
Đối với đoàn tàu của tuyến metro số 1, nhà thầu sản xuất tại Nhật Bản đã qua các bước kiểm tra kỹ thuật cuối cùng. Do tình hình dịch bệnh nên đoàn tàu này đang chờ thời điểm xuống cảng nhập khẩu về Việt Nam. Ông Bùi Xuân Cường cho biết đang phối hợp với các bên liên quan sớm đưa tàu về nước. Dự kiến đoàn tàu này sẽ chạy kiểm tra kỹ thuật đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về Depot Long Bình, quận 9.
Theo kế hoạch, chiều nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác của Chính phủ sẽ làm việc với lãnh đạo TPHCM để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó có các dự án metro.