Chính thức trình Thủ tướng phương án giải quyết việc chủ hộ đóng BHXH bắt buộc

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, BHXH Việt Nam vừa chính thức trình Thủ tướng 2 phương án giải quyết việc chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc.

BHXH Việt Nam cho biết, sau rà soát, tính tới ngày 30/5/2023, cả nước có 3.567 chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc chưa đúng quy định của Luật BHXH. Trong đó, có 1.444 trường hợp đã tạm dừng thu và ghi nhận thời gian đã đóng; có 1.423 chủ hộ đang tiếp tục tham gia BHXH dưới hình thức (BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc theo diện lao động khác); có 28 trường hợp hoàn trả lại tiền đã đóng. Số chủ hộ còn lại không chấp nhận hoàn trả, chỉ có nguyện vọng được ghi nhận thời gian đóng, và giải quyết hưởng các chế độ theo diện BHXH bắt buộc, đặc biệt là lương hưu sau này.

Trước thực tế việc thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh chưa theo quy định (không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc), thực hiện ý kiến của Ban Dân nguyện - Quốc hội, BHXH Việt Nam đã có văn bản kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.

Chính thức trình Thủ tướng phương án giải quyết việc chủ hộ đóng BHXH bắt buộc ảnh 1

BHXH Việt Nam ưu tiên đề xuất giải quyết chế độ, quyền lợi cho các chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan, BHXH Việt Nam đề xuất 2 phương án giải quyết việc các chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc chưa theo quy định. Trong đó, phương án ghi nhận thời gian đóng và giải quyết các quyền lợi cho chủ hộ tham gia theo diện BHXH bắt buộc, đồng thời sửa quy định để đảm bảo thống nhất; phương án 2 là trả lại tiền đã đóng và thu hồi tiền đã chi trả chế độ cho chủ hộ.

Cụ thể, phương án 1, ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã đóng, làm căn cứ để giải quyết quyền lợi theo quy định về BHXH bắt buộc. Trường hợp chủ hộ muốn trả, cơ quan BHXH hoàn trả và hủy sổ (không tính lãi). Bổ sung vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, trường hợp đã tham gia trước khi luật có hiệu lực được hưởng chế độ theo quy định về BHXH bắt buộc.

BHXH Việt Nam đánh giá, phương án này đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, giải quyết và đảm bảo các chế độ cho người đã đóng BHXH. Giải pháp này sẽ đáp ứng nguyện vọng của đa số chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc; mở ra cơ hội cho nhiều người dân được hưởng các quyền lợi BHXH đặc biệt với chế độ hưu trí khi về già; không phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; củng cố niềm tin người dân vào chế độ an sinh xã hội; giảm gánh nặng cho ngân sách khi phải thực hiện chế độ trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu.

Phương án 1 kể trên cũng giải quyết được khó khăn, phức tạp nếu phải hoàn trả số tiền đã đóng, thu hồi lại số tiền đã chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp. Đảm bảo công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết chế độ.

Tuy nhiên, phương án 1 có hạn chế là quy định pháp luật hiện hành thì chủ hộ không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Phương án 2, BHXH Việt Nam xây dựng là hoàn trả tiền đã đóng và thu hồi số tiền đã trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc (không tính lãi). Do pháp luật chưa quy định chủ hộ thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, nên chưa đủ cơ sở giải quyết quyền lợi.

BHXH Việt Nam đánh giá, nếu thực hiện phương án 2, nhiều chủ hộ cao tuổi, đã đóng BHXH thời gian dài không còn cơ hội hưởng chế độ BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Tạo áp lực lên ngân sách khi phải chi trả trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu. Nguy cơ phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại kéo dài như thời gian vừa qua, do nhiều chủ hộ chỉ mong được hưởng chế độ BHXH, không muốn nhận lại tiền đã đóng. Ngoài ra, có nhiều chủ hộ đã được giải quyết quyền lợi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế… nếu hoàn trả tiền đóng sẽ phải truy thu tiền đã chi trả chế độ, trong thực tiễn rất khó thực hiện được.

Từ các phân tích trên, BHXH Việt Nam đề xuất Chính phủ chọn phương án 1.

MỚI - NÓNG