Theo quy định của Luật, Chương trình giáo dục phổ thông được thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa (SGK). Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học.
Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về thành phần hội đồng quốc gia thẩm định SGK, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Một điểm mới nữa được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đó là học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Bên cạnh đó, trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo cũng được miễn học phí. Riêng trẻ em mầm non 5 tuổi ở khu vực khác với quy định trên và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.