Chính phủ đồng ý mở rộng đối tượng vay gói 30.000 tỉ đồng

Hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội vay gói 30.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng
Hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội vay gói 30.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc mở rộng đối tượng cho vay gói 30.000 tỉ đồng.

Cụ thể, ngoài các đối tượng được vay hiện tại thì những người đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) để cho thuê, thuê mua và bán cũng sẽ được vay gói tín dụng này.

Như vậy, các hộ gia đình, cá nhân, tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên… cũng sẽ được vay gói hỗ trợ này. Đây là thông tin được Chính phủ khẳng định tại phiên họp thường kỳ tháng 6.

Trước đó, từ đầu tháng 5-2014, trong chuyến thăm các nhà lưu trú cho công nhân tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nêu vấn đề này, và cho biết sẽ đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

“Hiện nay, có 2,1 triệu công nhân làm tại các khu công nghiệp và hàng triệu công nhân làm bên ngoài. 80% công nhân hiện đang ở trong những nhà trọ, nhà dân cho thuê, trong khi người dân làm nhà cho thuê đều làm tạm bợ, chật chội nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của công nhân”, ông Dũng giải thích về đề xuất trên.

Theo ông Dũng, vấn đề này thực chất đã được thể hiện trong Nghị định 188 ban hành năm 2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhưng Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản lại chưa nhắc đến.

Trao đổi với TBKTSG Online, một chủ doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM ủng hộ những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng này. Theo vị chủ doanh nghiệp này, dù một năm qua, gói 30.000 giải ngân rất chậm với chỉ hơn 7% nhưng hy vọng trong hai năm cuối, các điều kiện cho vay sẽ được nới lỏng dần để người dân dễ dàng tiếp cận và sớm có nhà ở.

Việc mở rộng đối tượng cho vay được kỳ vọng sẽ giúp gói này giải ngân nhanh hơn, tuy thế, với số lượng ngân hàng cho vay vẫn hạn chế, thủ tục vay không dễ, nhất là trong việc xác nhận hiện trạng nhà ở, và nguồn cung không nhiều, thì kỳ vọng này có thể sẽ khó thành hiện thực.

Theo Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG