Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 20/5, tổng số tồn kho trên địa bàn Hà Nội khoảng gần 11.000 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tháng 12/2013, và giảm 183 tỷ đồng so với thời điểm 30/4. Trong đó, chung cư và nhà thấp tầng lần lượt tồn 2.644 và 2.722 căn. Tồn kho chủ yếu ở các dự án xa trung tâm, chưa hoàn thành đầu tư, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Ngành xây dựng đưa ra giải pháp tiếp tục rà soát, phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, dừng cấp phép mới các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch. Chủ đầu tư điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại về quy mô, diện tích cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Trao đổi với VnExpress.net bên hành lang một hội nghị vừa qua, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay, cần có giải pháp vĩ mô để giải phóng hàng tồn kho bất động sản, vấn đề đang gây nhức nhối cho phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc cơ cấu sản phẩm, chia nhỏ căn hộ chỉ là một giải pháp. Mấu chốt vấn đề để giải phóng hàng tồn kho theo ông Thảo là cần một cơ chế chính sách giúp khách hàng có khả năng mua được căn hộ đang tồn trên thị trường. “Có thể thông qua việc bảo lãnh vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đồng thời có cơ chế chậm trả cho những người khó khăn về tài chính”, ông Thảo đưa ra giải pháp.
Theo lãnh đạo Hà Nội, cần có chính sách để hỗ trợ cho các trường hợp thuê mua nhằm kéo dài vòng quay của dòng vốn. Trong quá trình thuê nhà, khách hàng có thể tích lũy đủ số tiền để có thể sở hữu căn hộ. “Đấy mới là chính sách kích cầu, tạo dựng để tăng sức mua, giải tỏa được tồn kho bất động sản. Bởi khi sức mua không có nữa thì thị trường vẫn cứ đông lại”, ông Thảo chỉ rõ.
Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, hiện thị trường nhà ở phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà thương mại cao cấp xây ồ ạt, còn nhà phổ thông phù hợp với sức mua của người dân lại không có. Theo ông Lịch, nhà nước cần đưa ra chính sách để người dân có nhà ở thay vì sở hữu nhà ở thông qua việc khuyến khích cho thuê. “Muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là quan điểm không đúng. Chúng ta phải thay đổi quan điểm để phát triển nhà ở cho thuê, thay vì tập trung vào nhà để bán”, ông Lịch kiến nghị.
Ngoài ra, để người dân dễ tiếp cận với nhà ở, Chính phủ cần đưa ra chính sách phát triển nhà ở phổ thông. Đơn cử các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có nhiều căn hộ giá 1-1,5 tỷ đồng. Để đảm bảo lòng tin của người dân, các quy định góp vốn phải rõ ràng, tránh chuyện chủ đầu tư dùng tiền của người dân làm mục đích khác.
Theo Hoàng Lan