Sao Thủy đi qua Mặt Trời là hiện tượng Sao Thủy ở giữa Trái Đất và Mặt Trời. Quan sát từ trái đất sẽ thấy Sao Thủy giống như một chấm đen đi qua đĩa Mặt Trời. Cả thế kỷ 21 có khoảng 14 lần hiện tượng này xảy ra.
Lần này, Sao Thủy bắt đầu đi qua Mặt Trời lúc 11h12 và kết thúc lúc 18h42 theo giờ quốc tế. Trên thế giới, khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và bờ biển phía Tây châu Phi có thể quan sát toàn phần sự kiện. Vùng tây Bắc Mỹ, nam Nam Mỹ, Châu Phi và hầu hết Châu Á quan sát được một phần sự kiện. Nhật Bản, Indonesia, Australia không thể quan sát được hiện tượng này.
Ở Việt Nam, hiện tượng diễn ra từ 18h ngày 9/5 đến 1h44 rạng sáng ngày 10/5 nên chỉ quan sát được trong khoảng thời gian ngắn từ 18h00-18h20, cũng chỉ miền Bắc mới quan sát được hiện tượng này.
Sao Thủy khá nhỏ và mờ nhạt nên hiện tượng này khó quan sát, phải cần đến các dụng cụ quang học hỗ trợ như Kính thiên văn, ống nhòm. Cũng giống như hiện tượng nhật thực, hiện tượng Sao Thủy đi qua Mặt Trời không thể quan sát bằng mắt thường mà phải sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm với tấm lọc Mặt Trời hoặc kính quan sát Mặt Trời (solar glass).
Để quan sát hiện tượng này, người quan sát nhìn về hướng tây, chọn nơi rộng, thoáng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí.