Những người có thâm niên hàng chục năm tìm trầm ở đại ngàn miền Trung càng có cơ sở để khẳng định trồng dó bầu thì dễ, nhưng để cây cho trầm mới khó. Mà ở vùng đất miền Đông Nam bộ chưa bao giờ tìm được trầm trong tự nhiên. Sau 15 năm tâm huyết, ông Quyến đã khẳng định bằng thực tế về giá trị của cây dó bầu.
Rộn ràng xưởng trầm hương
Vượt qua quãng đường đồi núi gập ghềnh, chúng tôi đến “đại bản doanh trầm hương” của ông Quyến tại xã Phú An (huyện Tân Phú). Trái với những câu chuyện về những phu trầm trèo đèo vượt thác tìm trầm nơi rừng sâu, chưa tìm được trầm có khi cũng đã kiệt quệ nghèo đói, thậm chí bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng ở đây, tại xưởng sản xuất của ông Quyến, trầm được chất thành đống, bó thành bao.
Xưởng sản xuất trầm hương của ông Quyến nằm ở góc trang trại, gần 10 nhân công đang tách trầm ra khỏi cây dó bầu. Cây dó bầu sau khi cắt thành đoạn như những đoạn củi khô được công nhân dùng đục bóc đi lớp gỗ và lấy ra phần trầm hương. Mùi trầm hương thoang thoảng bay khắp xưởng sản xuất.
Ông Quyến tự tin sau 5 - 7 năm, chỉ việc bán cây cho người khác tạo trầm cũng đã thu tiền tỷ.
Lấy ra những thanh trầm thành phẩm, ông Quyến kể: có nhiều loại trầm, loại đặc biệt có giá khoảng 10 triệu đồng, loại thấp hơn có giá khoảng 3 triệu đồng. Ông Quyến giới thiệu nhiều sản phẩm như tinh dầu, hương trầm, vòng đeo tay, trà làm từ lá dó bầu… Ông Quyến đúc kết: cây dó bầu không bỏ đi thứ gì.
Là người đầu tiên đưa dó bầu về trồng và tạo được trầm hương ở đất Tân Phú, ông Quyến cho biết, ở vùng đất này đã hình thành một làng nghề trồng dó bầu, sản xuất trầm hương. Không trực tiếp tạo trầm, nông dân có thể bán cây dó bầu cho ông Quyến. Chúng tôi đến nhà A Khìn, một nông dân ở xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) vừa bán cây dó bầu cho ông Quyến. A Khìn cho biết, cách nay 7 năm ông trồng dó bầu theo phong trào. Không mạo hiểm trồng chuyên canh, A Khìn chỉ trồng xen 1.500 cây dó bầu trong 3 ha vườn tiêu của mình. Mới đây, A Khìn bán cây cho ông Quyến thu hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi tạo trầm trong thời gian hai năm, ông Quyến sẽ cưa cây dó bầu thu hoạch trầm.
Gian nan tìm trầm
Khá tự tin với kinh nghiệm của một kỹ sư lâm sinh, năm 2000, ông Quyến trồng 1.000 cây dó bầu tại trang trại trồng quýt của mình ở xã Phú An. Ngày đó không ít người dân địa phương hoài nghi đối với loại cây lạ lẫm này, nhưng ông Quyến tự tin sau 5 - 7 năm, chỉ việc bán cây cho người khác tạo trầm cũng đã thu tiền tỷ. Ở vùng đất tốt, cây dó bầu sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, cây sinh trưởng tốt cũng chỉ là cây gỗ tạp ít giá trị, nếu dựa vào yếu tố tự nhiên để cây tự tạo trầm là điều không thể.
Với mối quan hệ với các thầy ở Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, năm 2006, ông Quyến mời 4 vị giáo sư, tiến sĩ cùng hợp tác tạo trầm trên cây dó bầu. Coi như bước đầu thử nghiệm, 700 cây dó bầu đã chết đứng khi bị tác động của quá trình bơm hóa chất tạo trầm. Tuy nhiên, bù lại có 300 cây lấy được trầm. Đối với ông Quyến, ngoài việc thu lại phần vốn đầu tư, quan trọng hơn là ông rút ra bài học thực tế. Trên cơ sở đó, ông tiếp tục nghiên cứu, tạo ra được chế phẩm phục vụ việc tạo trầm trên cây dó bầu. Và từ năm 2010 đến nay, với chế phẩm này, ông đã thành công trong việc tạo ra trầm hương trên cây dó bầu.
Ngoài tạo trầm cho khoảng 25ha cây dó bầu, ông Quyến còn hợp tác hoặc mua cây dó bầu từ các chủ vườn khác để tạo trầm, bán chế phẩm tạo trầm cho những người trồng dó bầu khác. Khách hàng mua chế phẩm của ông Quyến không chỉ là các chủ vườn dó bầu trong vùng, mà ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và các tỉnh miền Trung.
Cách tác động tạo trầm của ông Quyến cũng khác với mọi người. Thông thường, cây dó bầu được tạo trầm bằng cách khoan lỗ vào thân, sau đó đổ chế phẩm vào. Còn ông Quyến thì bóc hết vỏ cây, quyết chế phẩm tạo trầm lên thân cây, hai năm sau bắt đầu thu hoạch trầm. Nhiều người ngạc nhiên khi cho rằng bóc hết vỏ thì cây sẽ chết. Nhưng ông Quyến thì lý giải, cây dó bầu khác với nhiều loại cây khác, khi bóc hết vỏ cây vẫn dẫn lưu, sống bình thường. Thực tế đã chứng minh điều này.