Chiềng Mai ở trên cao

Chùa Phra That trên núi Suthep, chùa thiêng nhất Chiềng Mai.
Chùa Phra That trên núi Suthep, chùa thiêng nhất Chiềng Mai.
TP - Chiềng Mai được coi là một trung tâm văn hóa của xứ Thái. Trong phố cổ, chỉ đi một quãng lại gặp chùa chiền và sắc áo vàng của các nhà sư. Chợ đêm chạy dài trên một khu phố tràn ngập đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo cùng ẩm thực đặc trưng miền bắc Thái Lan. Đây là thành phố người ta tìm đến để học nấu ăn, học thiền, học nghệ thuật massage và học tiếng Thái.

Trên mái nhà xứ Thái

Ở Bangkok đang nóng bức, nhưng lên đến Chiềng Mai ở vùng Tây Bắc thì mát mẻ hơn hẳn. Chiềng Mai cách thủ đô gần 700 km, tương đương quãng đường từ Huế ra Hà Nội. Chiềng Mai mát vì ở trên dãy núi cao, có ngọn núi Inthanon cao nhất Thái Lan: 2.565 mét so với mực nước biển. Những đồng bằng phía nam xứ Thái quanh năm chịu nóng ẩm đặc trưng của vùng Đông Nam Á, cái nóng ẩm rất không thuận cho việc du ngoạn, chỉ đi bộ một lúc là nhễ nhại mồ hôi. Như vậy để thấy Chiềng Mai có lợi thế về khí hậu.

Đúng vào ngày mưa, đi cùng một nhóm du khách lên đỉnh Doi Inthanon, cách thành phố bảy mươi cây số. Cầm ô đi trong rừng, ngấm mưa lạnh trong thời tiết chỉ khoảng mười lăm độ mà ai cũng hăng hái. Trèo núi một lúc thì ấm người lên, không mệt mỏi như khi đi trong nắng nóng. Ghé qua hai thác nước ầm ào: thác Wachirathan cao 90 mét, thác Sirithan 45 mét. Nghe nói lượng khách đổ lên đây nhiều nhất là vào ngày đầu năm mới, khoảng 12.000 người. Lên đến đây, ai cũng chụp ảnh ở đúng tấm biển ghi rõ đỉnh cao nhất Thái Lan để chứng tỏ mình đã đặt chân đến. Ghé vào một bản người Mông xem dệt thổ cẩm và cách làm nương trên những thửa ruộng bậc thang, thì cũng là những tập quán ấy, người Mông ở đâu cũng vậy. Trên vùng núi cao nhất này, người ta đã xây hai ngôi chùa cao 60 mét để kỷ niệm sinh nhật lần thứ sáu mươi của nhà vua Thái Lan năm 1987 và của hoàng hậu năm 1992. Hai ngôi chùa tuyệt đẹp, có cầu thang trượt đưa du khách lên chính điện trên cao. Mây bay trắng xóa quanh chùa, bên trong thanh tịnh với nhiều bức tranh tường thuộc các thể loại phù điêu trên đá, phù điêu gốm và tranh sơn khắc.

Một ngọn núi khác, cách thành phố chỉ có mười sáu cây số, Doi Suthep. Chữ Doi trong tiếng Thái, thoạt nghe tưởng là đồi, thực ra lại có nghĩa là núi, núi cao hẳn hoi. Từ Doi Suthep nhìn qua những lớp mây trắng bảng lảng, có thể thấy cả thành phố Chiềng Mai ở bên dưới kia. Đấy là đứng trên ban công ngắm cảnh trong quần thể chùa Wat Phra That. Phải trèo 309 bậc mới lên đến ngôi chùa nổi tiếng nhất và thiêng nhất Chiềng Mai. Thiêng, bởi vì trong chùa có thờ xá lợi Phật. Truyền thuyết kể rằng vào giữa thế kỷ XIV, trước khi xây đền, một nhà sư ở vương quốc Lan Na thỉnh được một phần tro cốt Phật. Nhà sư đặt xá lợi lên bành một con voi trắng, con voi đi mãi, đi mãi, cho đến khi gục xuống ở Doi Suthep này. Nhà vua coi đấy là một dấu hiệu thiêng bèn cho dựng chùa ở ngay chỗ ấy. Vừa bước chân lên đến chùa, ta sẽ thấy con voi trắng ở miếu thờ ngay lối vào.

Chiềng Mai ở trên cao ảnh 1 Voi trắng mang xá lợi Phật trong huyền thoại Chiềng Mai.

Như trong lễ hội

Hình ảnh đầu tiên khi đi vào thành phố Chiềng Mai là di tích những đoạn tường thành trung cổ và hào nước bao bọc quanh tường thành. Chiềng Mai ở tận phía bắc, gần biên giới với Miến Điện, trong lịch sử nhiều lần phải phòng vệ trước sức tấn công của quân Miến. Hào nước ấy bảy trăm năm trước là để bảo vệ, khiến cho quân Miến khó tấn công vào tường thành. Hào nước bây giờ trở thành một con kênh thơ mộng, những chiếc cầu gỗ nho nhỏ bắc ngang qua đấy, hai bên thành cầu trang trí bằng cây cảnh soi bóng xuống dòng nước. Con kênh cứ thế mà chạy vòng xung quanh vùng phố cổ như ôm ấp.

Đang mùa mưa, lúc nắng lúc mưa sụt sùi. Tôi cầm cái bản đồ phố cổ, cứ theo đấy mà lang thang qua những ngôi chùa thiêng. Trước hết, định đến chùa Chedi Luang, nơi có ngọn bảo tháp cao nhất thành phố, nhưng thấy một ngôi chùa ngay bên đường, tưởng đã đến nơi bèn rẽ vào. Hóa ra chưa phải, ngôi chùa đầu tiên mình đến lại là Wat Phan Tao, thuần gỗ tếch, từ hai mươi tám cái cột gỗ tếch cao vút cho đến chính điện cũng gỗ tếch, chính điện ba tầng tượng trưng cho tam bảo Phật, Pháp, Tăng.

Sau đấy mới sang đến chùa Chedi Luang ở bên cạnh. Di tích cái bảo tháp phía sau chùa thật là gây choáng ngợp. Bảo tháp được xây từ năm 1441, đến bây giờ chỉ còn là di tích, nhưng phần còn lại vẫn cao gần 100 mét, tương đương tòa nhà ba mươi tầng. Người ta chỉ còn biết ngước nhìn lên mà chiêm ngưỡng bái phục. Nghe đâu bảo tháp vĩ đại này chịu một trận động đất ở thế kỷ XVI, người thì nói rằng bị súng đại bác của quân Miến đến xâm lược. Trong khuôn viên chùa có thờ City Pillar (Thành Trụ, cái cột chống trời của thành phố), được coi như thần hộ vệ của Chiềng Mai. Hàng năm có lễ hội cầu cúng vị thần hộ vệ này vào ngày trăng tàn tháng sáu âm lịch.  

Chiềng Mai ở trên cao ảnh 2 Trong chợ đêm Chiềng Mai: ngồi cho cá mát xa chân.

Ở ngoại vi thành phố có chùa Chet Yot, bất ngờ giống như gặp lại người thân: Chet Yot quy mô không lớn, nhưng giống như chùa Đại Giác Mahaboddhi, ở Bồ Đề Đạo Tràng Boddhgaya, nơi có cây bồ đề giác ngộ bên xứ Ấn Độ. Ngẩn ngơ đi xung quanh chùa, không rõ từ thời nào mà người Chiềng Mai đã có ý tưởng mô phỏng kiến trúc ngôi chùa bên xứ Ấn. Ngôi chùa không lộng lẫy sơn son thiếp vàng mà chỉ là màu sa thạch nâu và xám, giống như một di tích. Nhưng chùa có ý nghĩa quan trọng vì từng là địa điểm tổ chức hội nghị Hội đồng Phật giáo thế giới lần thứ VIII, năm 1977.

Cổ kính nhất trong các ngôi chùa ở Chiềng Mai là Wat Chiang Man, được dựng lên từ năm 1296. Người cho xây chùa cũng chính là vị vua xây dựng kinh thành Chiềng Mai thời ấy. Chùa có hai pho tượng Phật nổi tiếng, trong đó đồn rằng tượng Phật pha lê có quyền năng đem mưa xuống mỗi khi tăng chúng làm lễ cầu mưa cho mùa màng.

Chùa là để cầu cúng. Nhưng đặc biệt cho lễ mừng năm mới Songkran thì phải đến Wat Phra Singh. Phra Singh là tên của pho tượng Phật đã 1.000 năm tuổi, thiêng nhất. Chữ Singh trong ấy hẳn là từ ngôn ngữ Ấn Độ cổ, có nghĩa là sư tử, là quyền năng tối thượng trong chốn sơn lâm. Chùa ở Chiềng Mai có thể phân ra làm hai phái chính: chùa của người Thái gốc Lan Na có mô típ rắn thần Naga, chùa của người Thái gốc Miến thì có mô típ sư tử - đấy là cách giải thích của anh lái xe một công ty du lịch. Cũng có khi giao hòa, khó mà phân biệt rạch ròi như thế.

Tôi đến Chiềng Mai vào đầu tháng bảy, mùa mưa. Tết Songkran đã qua từ giữa tháng tư, nhưng vào chùa Phra Singh, dạo quanh quần thể đồ sộ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, cảm tưởng như đang giữa ngày tết xứ Thái. Ngày tết, người người từ khắp đất nước đổ về Chiềng Mai, nô nức vui hội té nước, ngắm sắc cà sa vàng trong những đoàn diễu hành trên đường phố, cầu phúc lành trước pho tượng Phật nghìn năm tuổi. Và ngay trong phố cổ, không bao giờ thiếu một sự kiện thật là mới và trẻ: đấy là cuộc thi hoa hậu Songkran trong những ngày đầu năm.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.