Gần đây, Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu giảm bớt cường độ các hoạt động tác chiến ở Syria, và dường như để tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng cho một "cơn bão" lớn sắp xảy ra, theo TF1.
Trong các chiến dịch can thiệp quân sự gần đây, Mỹ thường không điều động lực lượng lớn hoặc trực tiếp chỉ đạo mà ủy nhiệm cho các quốc gia đồng minh châu Âu đóng vai trò dẫn đầu liên quân, điển hình như chiến dịch can thiệp tại Lybia năm 2011. Loạt tấn công đẫm máu do phiến quân thực hiện tại thủ đô Paris hồi đầu tháng 11 là lý do không thể tốt hơn giúp Washington một lần nữa trao cho Pháp vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Sau vụ khủng bố, Pháp đã cấp tốc điều tàu sân bay duy nhất mang tên Charles de Gaulle của nước này, đồng thời cũng là tàu sân bay hạt nhân duy nhất ngoài Mỹ, chở theo 38 máy bay chiến đấu đến Địa Trung Hải để tham gia diệt IS.
Lực lượng tham gia hộ tống Charles de Gaulle được đánh giá rất hùng hậu gồm: tàu phòng không Chevalier Paul, tàu săn ngầm La Motte-Piquet, hai tàu hộ vệ đa nhiệm FREMM Aquitaine và Provence, tàu ngầm tấn công nguyên tử lớp Améthyste. Ngoài ra còn có các tàu chỉ huy và tiếp liệu hậu cần Marne, tàu phòng không HMS Defender của Anh, tàu hộ vệ Leopold I của Bỉ.
"Khi tác chiến, lực lượng này chắc chắn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh trung tâm Hải quân Mỹ tại khu vực, nâng số tàu chiến phục vụ chiến dịch lên con số 60 tàu. Số lượng tàu chiến đông đảo như vậy không dành cho các hoạt động quân sự quy mô nhỏ trong thời gian tới", bình luận viên Thierry Meyssan thuộc trang mạng phân tích chính trị Voltairenet nhận định.
Dù điện Élyse đã chỉ định đề đốc người Pháp Rene Jean Crignola trực tiếp chỉ huy lực lượng hải quân hùng hậu trên, nhiều nhà phân tích cho rằng quyền lãnh đạo và điều phối trên thực tế thuộc về Tư lệnh hạm đội 5 của Mỹ, Phó đô đốc Kevin Donegan. Ông là cấp dưới trực tiếp của tướng 4 sao Lloyd J.Austin III, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm CENTCOM, người đứng đầu chiến dịch chống IS của Mỹ.
"Đây là bằng chứng cho thấy, Mỹ đang âm thầm chuẩn bị cho các hoạt động tiến công phiến quân IS với quy mô lớn hơn trong thời gian tới", ông Jean François Daguzan, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Paris khẳng định.
Hôm 4/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đã lên thăm tàu sân bay Charles de Gaulle và tuyên bố liên quân sẽ có sự thay đổi lớn trong nhiệm vụ tại Syria. Ngay sau đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Pierre de Villiers tuyên bố tàu sân bay Pháp đã chuyển hướng đến vịnh Ba Tư, nơi Hạm đội 5 Mỹ đang đóng quân.
Tính toán của Nga
Bruno Tertrais, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Paris, cũng cho rằng, ngoài Mỹ, Nga cũng sẽ buộc phải kéo dài thời gian và tăng cường độ không kích trong thời gian tới, vì các cuộc ném bom từ đầu tháng 10 chưa đủ để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cán cân lực lượng giữa phiến quân và quân đội chính phủ Syria.
Phát biểu nhân lễ kỷ niệm lực lượng an ninh Nga ngày 19/12, Tổng thống Vladimir Putin cho biết lực lượng vũ trang Nga chưa triển khai hết khả năng của mình tại Syria và có thể sử dụng nhiều phương tiện quân sự hơn nếu cần thiết.
Ông Tertrais nhận định với những diễn biến gần đây, Syria đã trở thành một "thao trường" để Nga thử nghiệm và phô trương vũ khí và khẳng định các hoạt động này sẽ không dừng lại ở việc phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Trang mạng Égalité et Réconciliation dẫn nguồn tin từ chính phủ Syria cho biết quân đội Syria và đồng minh cũng đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn vào đầu năm 2016. Chiến dịch này nhằm tiếp sức các cuộc nổi dậy của người dân tại các vùng do phiến quân kiểm soát, giúp quân đội chiếm lại hầu hết các thành phố.
Đầu tháng 12, quân đội Nga và Syria đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô để chuẩn bị cho các chiến dịch tái chiếm các thành trì do phiến quân chiếm giữ.
Ngày 10/12, Arab Saudi đã tập hợp các nhóm phiến quân đối lập (không có sự tham gia của IS và al-Qaeda) tại Riyadh để tham gia một hội nghị do Liên Hợp Quốc chủ trì.
Trong tuyên bố cuối cuộc họp, mặc dù nhận rõ không thể giành được thắng lợi về mặt quân sự, nhưng các nhóm phiến quân này vẫn nhất quyết yêu cầu Tổng thống Bashar Al- Assad từ chức, như điều kiện khởi đầu cho một tiến trình chính trị cho Syria. Động thái này cho thấy chiến trường tại Syria trong thời gian sẽ tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường.
Ông Tertrais đánh giá Nga hoàn toàn có đủ khả năng tiêu diệt các nhóm phiến quân trong thời gian ngắn nếu họ hoạt động độc lập và tự phát, nhưng vấn đề là những nhóm này thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ Arab Saudi và Qatar. Kết quả hội nghị tại Riyadh cho thấy sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ tiếp diễn trong thời gian trước mắt, và Nga sẽ buộc phải đẩy mạnh các hoạt động quân sự của mình. Chiến trường Syria chắc chắn sẽ "nổi sóng" trong thời gian tới.