Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm xấu đi nghiêm trọng mối quan hệ giữa NATO và Nga. Cùng với việc cắt đường dây điện thoại nóng (có tên gọi là điện thoại đỏ, được xây dựng cách đây 50 năm để Tổng thống Mỹ có thể liên lạc với Điện Kremlin bất cứ lúc nào), sự hợp tác về an ninh hạt nhân, hiện tại cũng bị ngưng trệ. Các chuyên gia tham dự Hội nghị An ninh diễn ra ở Munich (Đức) đầu tháng 2 vừa qua cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào đều có thể dẫn đến hiểm họa khôn lường.
Trước đây, các nhà khoa học không hề có ý tưởng rằng những thí nghiệm của họ có thể sẽ kết thúc nền văn minh. Ngày 25/1/1995, các nhà nghiên cứu Na Uy và Mỹ đã bắn một tên lửa vào bầu trời phía tây bắc Na Uy để nghiên cứu tia Bắc Cực (Northern Lights). Nhưng tên lửa 4 tầng này lại bay cùng quỹ đạo với tên lửa Minuteman III của Mỹ, được trang bị đầu đạn hạt nhân, với hành trình có thể bay từ Mỹ đến Moscow.
Tốc độ của tên lửa và mô hình của Minuteman III kết hợp chặt chẽ với nhau khiến người Nga cho rằng một tên lửa Trident sẽ được bắn từ một tàu ngầm của Mỹ và phát nổ ở độ cao lớn, với mục đích làm mù các hệ thống cảnh báo sớm của Nga để chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của Mỹ. Quân đội Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao, và Tổng thống Boris Yeltsin khi đó đã kích hoạt các phím khởi động vũ khí hạt nhân.
Trong khoảng thời gian chưa đầy 10 phút trước khi ra lệnh phóng vũ khí hủy diệt hàng loạt này hay không, ông Yeltsin lại quyết định giữ nguyên tên lửa Nga trong các bệ phóng cố định trong hầm, có lẽ một phần vì mối quan hệ giữa Nga và Mỹ là tương đối tin tưởng ở thời điểm năm 1995. Tuy nhiên, chuyên gia vũ khí của Mỹ Theodore Postol mới đây cảnh báo rằng nếu một sự cố tương tự xảy ra ngày hôm nay, rất có thể sẽ dẫn đến một thảm họa hạt nhân.
Mất lòng tin
Khi được hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra ngày hôm nay nếu sự cố tên lửa giống như hồi năm 1995 lặp lại, cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov, phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich đã khẳng định: "Sự mất lòng tin ngày càng lớn giữa phương Tây và Nga đang tác động mạnh đến sự hợp tác trong các vấn đề an ninh và không có gì có thể đảm bảo nếu một quyết định đúng đắn được đưa ra".
Tháng 11/2014, Nga đã thông báo sẽ tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân diễn ra tại Mỹ. Đến tháng 12, Quốc hội Mỹ lại bỏ phiếu, lần đầu tiên trong vòng 25 năm, không phê duyệt kinh phí để bảo vệ nguyên liệu hạt nhân tại Liên bang Nga. Chỉ vài ngày sau đó, Nga tuyên bố chấm dứt hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực an ninh hạt nhân. Sự hợp tác thành công trong gần hai thập kỷ giữa hai bên giờ chỉ còn là ký ức.
Thay vào đó, Nga và Mỹ tập trung đầu tư những khoản tiền khổng lồ để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, và NATO mới đây cũng đã thông báo đang xem xét lại chiến lược hạt nhân của tổ chức quân sự này. Theo một báo cáo của Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN), trong bối cảnh sự đối đầu giữa quân đội Đông - Tây, đặc biệt là không quân ngày càng trở nên phổ biến hơn, bất kỳ một sự cố nào đều có thể dẫn đến leo thang quân sự và để đối phó với nguy cơ này, cần tìm ra một cơ chế mà trong đó có các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất.
Tư lệnh đồng minh tối cao NATO ở châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove đã kêu gọi việc xây dựng hệ thống đường dây nóng (điện thoại đỏ) với Moscow, ám chỉ đến hệ thống kết nối điện báo trực tiếp được thành lập vào năm 1963 giữa Mỹ và Liên Xô sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Ông cho biết một đường dây nóng trực tiếp đã được thiết lập giữa NATO và Bộ Tham mưu quân đội Nga hồi tháng 2/2013, nhưng nó bị cắt đứt như là kết quả của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một tình thế rất nguy hiểm
Khi lòng tin đã bị xói mòn đến mức gần như hủy hoại, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Sam Nunn nói: "Một cuộc chiến đang diễn ra ngay trong lòng châu Âu; Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường bị phá vỡ; Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang chịu áp lực lớn; vũ khí hạt nhân chiến thuật xuất hiện trên khắp châu Âu... Quả là một tình huống rất nguy hiểm”.
Vào cuối tháng 1/2015, bản tin của Hội Các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists) đã đặt hẹn giờ cho "Doomsday Clock" kém 3 phút đến nửa đêm (Đồng hồ ngày tận thế - mang tính tượng trưng được ban lãnh đạo của bản tin khoa học nguyên tử thuộc Đại học Chicago lập ra năm 1947 nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về chiến tranh hạt nhân ở phạm vi toàn cầu Theo đó, hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm - 12 giờ đêm hay 0 giờ - bấy nhiêu.
Cùng với sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt và vũ khí công nghệ cao khác, đồng hồ ngày tận thế hiện nay được dùng để cảnh báo mối đe dọa với thế giới đến từ tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể đe dọa loài người như sự tàn phá môi trường, biến đổi khí hậu hay vũ khí công nghệ nano với thông điệp gửi đi là con người đang ở ngưỡng "chỉ còn vài phút nữa là tới nửa đêm”.
Lần cuối cùng đồng hồ "Doomsday Clock" được đặt lại giờ là năm 1983, thời điểm quan hệ Mỹ-Liên Xô đang ở giai đoạn băng giá nhất. Một lần khác nữa là trước đó, tình hình quan hệ hai nước thậm chí còn tồi tệ hơn. Năm 1953, đồng hồ đã được đặt ở trạng thái kém 2 phút đến nửa đêm. Trong bối cảnh ngày nay, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, mà hệ quả từ việc hiện đại hóa các kho vũ khí khổng lồ đã tạo ra các "mối đe dọa khủng khiếp và không thể lường trước được cho sự tồn tại của nhân loại”.
Tại Hội nghị An ninh diễn ra tại Munich vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã nhận định rằng những lời nói hoa mỹ của các đối thủ trong khu vực Đông và Tây có vẻ không đủ sức thuyết phục để làm giảm bớt các mối đe dọa.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi phương Tây luôn tìm cách đổ lỗi và cáo buộc Nga. Bất kỳ động thái nào của Nga đều bị cho rằng Moscow đang áp dụng các kho vũ khí đầy đủ của cái gọi là "hybrid warfarc" (tạm dịch: Chiến tranh Lưỡng diện), từ tuyên truyền đến chiến tranh không gian mạng và tài trợ cho các phần tử ly khai, thậm chí các hoạt động quân sự bí mật.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Marie Eriksen Soreide thậm chí còn cho biết, trong Điều 5 của Hiệp ước NATO ghi rõ sẽ đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào. Điều này có nghĩa rằng một khi Nga tấn công một thành viên của NATO, ám chỉ sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine, tất cả các nước thành viên khác sẽ được yêu cầu để tham chiến để bảo vệ đất nước đó.
Nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lưỡng diện
Một cuộc chiến tranh Lưỡng diện - được tiến hành với rất nhiều loại vũ khí khác nhau - sẽ làm cho mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn. Thượng nghị sĩ Mỹ Nunn đã thừa nhận như vậy khi đề cập đến nguy cơ này. Ông khẳng định nó sẽ làm cho các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, thậm chí nguyên liệu hạt nhân nguy hiểm hơn rất nhiều.
Hiện một số vũ khí này hiện đang lưu giữ tại Đức và có tới 20 quả bom B61, hiện đang được nâng cấp với chi phí rất lớn, được cất giữ tại căn cứ không quân Büchel ở vùng Eifel, miền Tây nước Đức. Những "trái cấm" này đang nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, nhưng máy bay chiến đấu Tornado của Đức sẽ thả các quả bom này nếu một cuộc chiến tranh xảy ra.
Đề cập đến nguy cơ nếu xảy ra "Chiến tranh Lưỡng diện", liệu vũ khí hạt nhân có được sử dụng, nhà ngoại giao Mỹ Richard Burt - Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, đồng thời là người cùng đặt ra Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), giữa Mỹ và Liên Xô - khẳng định: "Câu trả lời đơn giản là có. Cả vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga về cơ bản đều được đặt trong tình trạng báo động cao. Cả hai bên đều có một "vị trí hạt nhân", nơi tên lửa trên mặt đất có thể được khởi động trong vòng chưa đầy 15 phút”. Ông cảnh báo trong bối cảnh nếu một cuộc chiến tranh Lưỡng diện xảy ra sẽ vô cùng tai hại.
Cựu Ngoại trưởng Nga Ivanov cũng cảnh báo: "Trong Chiến tranh lạnh, chúng ta tạo ra các cơ chế an ninh bảo mật. Một số lượng lớn các điều ước và văn bản đã giúp thế giới tránh một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày nay mối đe dọa về một cuộc chiến tranh còn lớn hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh lạnh".