Chiến sĩ công an nhiều lần hiến tiểu cầu, cứu người nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhận cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện hay người nhà của người bệnh thuộc nhóm máu hiếm, cần truyền máu gấp, những chiến sĩ công an Đắk Lắk luôn có mặt kịp thời để hiến máu cứu người. 

“Có phải anh Quý, công tác tại phòng Cảnh sát cơ động công an tỉnh Đắk Lắk không, người nhà tôi mắc COVID-19, đang nguy kịch, giảm tiểu cầu nặng, nhưng là nhóm máu hiếm, anh có thể hiến tiểu cầu được không", sau khi nghe và trấn an người nhà bệnh nhân, hỏi sơ địa điểm, đại úy Từ Ngọc Quý chỉ kịp báo cáo nhanh với lãnh đạo đơn vị và lập tức đến thẳng bệnh viện. Lúc này, trong anh chỉ có một suy nghĩ mạng sống của bệnh nhân ấy rất quan trọng.

Chiến sĩ công an nhiều lần hiến tiểu cầu, cứu người nguy kịch ảnh 1

Đại úy Từ Ngọc Quý hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân

Đại úy Từ Ngọc Quý không giấu được niềm hạnh phúc khi những giọt máu của mình cứu sống người bệnh. Anh rất nhớ lần hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân mắc COVID-19 vào tháng 12/2021. Hôm đó lấy tiểu cầu gặp một chút sự cố về máy lọc, phải lấy hơn 10 phút nhưng sau khi cho được máu, anh Quý rất hạnh phúc vì đã cứu sống được bệnh nhân. Bác sĩ dặn anh để dành máu cho những trường hợp bệnh nhân nhóm máu hiếm nguy kịch. Biết bản thân mang nhóm máu hiếm có khả năng tiếp máu cứu người nên anh Quý coi việc hiến máu như thiên chức mà cuộc sống trao cho.

Chiến sĩ công an nhiều lần hiến tiểu cầu, cứu người nguy kịch ảnh 2

Đại úy Từ Ngọc Quý có trên 10 lần hiến máu

Đến nay, đại úy Quý đã có trên 10 lần hiến máu, và 3 lần hiến tiểu cầu cứu sống bệnh nhân nguy kịch. Anh kể, ba lần hiến tiểu cầu đều trong năm 2021. Trong đó, dịp tháng 9, anh hiến cho bệnh nhân ung thư ở huyện Cư Kuin. Trước đó, anh hiến tiểu cầu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Các trường hợp này gia đình người bệnh gọi điện trực tiếp cho anh. Những lúc như vậy, dù đang có chuyện gì, công tác ở đâu, anh đều báo cáo lãnh đạo và xin được đi hiến máu ngay. Lãnh đạo luôn tạo điều kiện vì biết việc tiếp máu cứu người là cấp bách.

Cũng hiến máu 5 lần (nhiều lần hiến tại chương trình Chủ nhật Đỏ), trong đó 1 lần hiến tiểu cầu, hạ sĩ Hà Đông Quy (SN 2001, công tác tại phòng Cảnh sát cơ động) chia sẻ, trưa hôm ấy, nhận được thông tin bệnh nhân cần tiểu cầu gấp, người nhà đã liên hệ khắp nơi nhưng không tìm được người hiến. Hạ sĩ Quy cùng 3 chiến sĩ lên bệnh viện làm xét nghiệm, chỉ duy nhất hạ sĩ Quy đủ điều kiện hiến. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ được ai thì giúp, không suy nghĩ nhiều. Khi biết những giọt máu của mình đã cứu sống bệnh nhân, tôi thấy rất vui và tự nhủ sẽ rèn luyện sức khỏe để đủ điều kiện hiến tiểu cầu khi ai đó cần”, hạ sĩ Quy nói. Trong các đợt dịch, hạ sĩ Quy tham gia hỗ trợ tại chốt kiểm soát quốc lộ 14, xã Hòa Phú và kịp thời phát hiện, bắt được một vụ trộm xe máy.

Chiến sĩ công an nhiều lần hiến tiểu cầu, cứu người nguy kịch ảnh 3

Hạ sĩ Hà Đông Quy hiến tiểu cầu

Bao năm qua, nhiều người dân xem lực lượng cảnh sát cơ động công an tỉnh Đắk Lắk như một “ngân hàng máu sống” khi người nhà của họ ở ngưỡng cửa sinh tử cần máu và tiểu cầu gấp. Nơi đây có một người thủ lĩnh luôn sát cánh cùng đồng đội, động viên tinh thần anh em chiến sĩ là trung tá Nguyễn Công An Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động - Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk.

Anh được các bệnh viện trên địa bàn “ưu tiên nhờ cậy” khi có những ca bệnh cần máu gấp. Bản thân trung tá An hơn 10 lần hiến máu tình nguyện. "Dịch bệnh phức tạp, anh em trực chiến 100% quân số. Nhiều chiến sỹ cả mấy tháng không về nhà. Mỗi cán bộ, chiến sỹ, ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ người dân còn giúp nhiều hoàn cảnh vượt qua cơn nguy kịch. Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy cấp, nhận tiểu cầu kịp thời đã giữ lại được mạng sống", trung tá Nguyễn Công An chia sẻ.

Chiến sĩ công an nhiều lần hiến tiểu cầu, cứu người nguy kịch ảnh 4

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk tham gia hiến máu trong chương trình Chủ nhật Đỏ

Theo Trung tá An, đơn vị có một danh sách về nhóm máu của anh em chiến sĩ để sẵn sàng đáp ứng khi người dân cần. Những cuộc gọi khẩn cấp hiến máu chủ yếu vào đêm khuya, từ 9 - 12 giờ hay 1, 2 giờ sáng. Nhiều ca bệnh cần tiểu cầu nhóm máu hiếm, vì tinh thần trách nhiệm nên anh em chiến sĩ sẵn sàng đi kiểm tra và hiến máu.

MỚI - NÓNG