Chiến lược quốc gia về nhân tài: Tìm đột phá

Du học sinh xuất sắc dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Vĩnh
Du học sinh xuất sắc dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tại Hội thảo khoa học “Công tác nhân tài ở Việt Nam- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hôm qua (6-9), nhiều ý kiến đề xuất cần ban hành một chiến lược quốc gia về nhân tài.

> Dùng người tài không phân biệt xuất thân

Du học sinh xuất sắc dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Vĩnh
Du học sinh xuất sắc dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lo người cũ không nghỉ

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, từng là người đứng đầu cấp ủy tại địa phương, ông cũng rất trăn trở về công tác trọng dụng người tài. Muốn phát huy và sử dụng được người tài thì phải “lấy Lễ mà đãi”. Đó là sự chân thật, tôn trọng bằng tất cả tấm lòng; xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng. Từ đó, phải tính lại căn bản cơ chế tuyển chọn. Người mới có được trọng dụng hay không là phụ thuộc vào người cũ có nghỉ không.

Trong khi hiện nay, người cũ là người vừa ra đề vừa chấm thi. Ông Hoàng ví việc phát hiện, sử dụng nhân tài như “đừng ngồi chờ bắt sư tử mà không có rừng”. Nguyên Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt đồng tình, “người cũ không nghỉ thì người mới sao vào được”.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận T.Ư, điều phức tạp hiện nay là giá trị chân, giả lẫn lộn. Trong khi cơ chế đánh giá, thẩm định của các hội đồng đã lạc hậu.

Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ông Tạ Ngọc Tấn đề cập việc Trung Quốc đã thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với cán bộ quản lý rất bài bản. Do vậy, chính sách luân chuyển cán bộ của Việt Nam cần phải nghiên cứu lại.

Cán bộ đi luân chuyển địa phương phải được giao vị trí đứng đầu để có cơ hội rèn luyện, thử thách. Ví như luân chuyển đi làm Bí thư hoặc Chủ tịch, còn làm cấp phó thì rất khó.

Cần những vườn ươm, đặc khu nhân tài tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cần những vườn ươm, đặc khu nhân tài tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhiều rào cản xuất lộ nhân tài

GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư khẳng định, muốn phát triển nhân tài thì bước đầu tiên là phải coi trọng trí thức và trọng dụng trí thức, thực hiện đúng chính sách “có tài, có đức, có chức, có quyền”, không để xảy ra tình trạng không tài, không đức mà vẫn có chức có quyền do lý lịch hoặc chạy chọt, móc ngoặc, ô dù, bè cánh, nịnh bợ. “Chúng ta cũng không nên thành kiến với những trí thức dám góp ý thẳng thắn với Đảng và Nhà nước”- GS Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cũng cho rằng, ngoài những rào cản mang tính thời đại của các thiết chế chính trị- kinh tế- xã hội, còn những rào đối với sự xuất lộ nhân tài mang tính văn hóa, chính trị, thái độ đố kỵ, kể cả căn bệnh mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “thói vác mặt quan cách mạng”.

Theo ông Thu, những người có tài thường có lòng tự trọng, không chịu luồn cúi, không ưa nịnh trên, nạt dưới, không thích áp đặt thô bạo. Đối với họ, vật chất không phải là tất cả, cái nhân tài cần hơn cả là nhà nước, xã hội và giai cấp cầm quyền tạo điều kiện để họ tìm tòi, suy nghĩ sáng tạo và phát triển tài năng của mình.

Theo TS Nguyễn Thu Phương (Viện Nghiên cứu Trung Quốc), một bài học quý được rút ra từ kinh nghiệm phát triển nhân tài của Trung Quốc là phải có quy hoạch và chiến lược nhân tài quốc gia gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Theo TS Phương, đừng để người ta nói “nghèo như giáo sư, giẻ rách như tiến sỹ”, nếu như vậy “tôi cũng là giẻ rách”.

GS Dương Phú Hiệp cũng nêu thực tế, hiện nay nhiều nơi đua nhau “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài, song do nhiều lý do mà rất ít thảm đỏ giữ được nhân tài. Do đó cần xem xét lại công tác đãi ngộ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nếu nhân tài nhận thấy chưa được đãi ngộ xứng đáng và chưa được tôn vinh xứng đáng với đóng góp của mình thì họ có quyền chuyển đến nơi “đất lành chim đậu”.

Ông Hồ Đức Việt cho biết, trong chiến lược về nhân tài tới đây, phải đề ra được mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách cụ thể. Phải có đột phá mới về thể chế, cơ chế liên quan đến nhân tài. Ngoài ra, theo ông Việt, nói phải đi đôi với làm. Nói về nhân tài cực hay nhưng không làm gì cả thì cũng không được. Phải làm cho hiệu quả để tạo lòng tin cho đội ngũ trí thức và nhân dân.

Chưa thu hút được nhiều người tài trong và ngoài Đảng

Ông Hồ Đức Việt , nguyên UV BCT, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư: Chúng ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, chương trình, kế hoạch tổng thể, giải pháp chiến lược để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Do đó, chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các trường phổ thông và đại học.

Trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai, minh bạch. Vì thế, không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí phù hợp.

Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa được nghiên cứu thực thi đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài cả trong và ngoài Đảng vào công tác trong hệ thống chính trị cũng như người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.

Một số chủ trương về nhân tài của Đảng và Nhà nước trong những năm qua vừa còn thiếu sự chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tập trung và có tính hệ thống… Chính điều này dẫn đến tình trạng có người tài đã rời bỏ khu vực công tác phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng cống hiến của mình để chuyển sang khu vực khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Bộ trưởng không cứ phải là đảng viên

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Tôi nghĩ cần phải thay đổi nhận thức cho rằng những người ở địa vị nhất định trong hệ thống chính trị ví dụ như Ủy viên Trung ương Đảng thì có thể đáp ứng, thỏa mãn mọi lĩnh vực công tác. Đó là điều không thực tế và không nên như vậy.

Chúng ta phải có một thái độ cởi mở để sử dụng cho hết những tài năng kể cả trong Đảng lẫn ngoài Đảng, kể cả có cương vị, chức vụ hay chỉ là những người bình thường. Không nên phân biệt định kiến, miễn là người đó có tài, có đức và miễn là có kết quả được xã hội thừa nhận, đánh giá qua hành động của họ.

Từ những năm 1945-1946, Việt Nam chúng ta đã có những bộ trưởng không phải là đảng viên. Bây giờ thì trên thực tế, Đảng ta là Đảng cầm quyền nên việc bố trí cán bộ của Đảng vào trong các cương vị của bộ máy Nhà nước cũng là một hiện tượng bình thường.

Tuy nhiên, điều quan trọng là người đó có đủ đức, đủ tài hay không. Nếu có những vị bộ trưởng là người ngoài Đảng nhưng xứng đáng về nhân cách, tài năng thì cũng nên coi là điều bình thường.

Nhiều nhân tài do nước ngoài phát hiện

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài trong đội ngũ trí thức cũng là một vấn đề chúng ta đang chậm.

Hơn nữa để làm tốt việc này, đòi hỏi phải có một môi trường cởi mở, dân chủ để trí thức có thể bộc lộ được tài năng của mình. Ngoài ra, cũng cần có những “con mắt” phát hiện và tin cậy vào nhân tài thì lúc đó nhân tài mới được trọng dụng tốt.

Có một thực tế là nhân tài của chúng ta có thể phát hiện được nơi này nơi kia nhưng chưa sử dụng được nhiều. Tôi thấy nhiều nhân tài lớn của Việt Nam thời gian gần đây là do nước ngoài phát hiện và bồi dưỡng. Hay nói cách khác, người tài của chúng ta phải sử dụng cái tài của mình ở một môi trường khác. Chúng ta chưa có một môi trường tốt để có thể nuôi dưỡng, phát triển được các nhân tài ở trong nước.

Cao Nhật ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG