Chiếc vé xe nhỏ bé và chuyện trật tự xã hội lung lay

Chiếc vé xe nhỏ bé và chuyện trật tự xã hội lung lay
TP - Chiếc vé xe nhỏ bé, trên đó ghi chỉ vài ngàn đồng nhưng cho thấy rường cột, trật tự xã hội lung lay, ngổn ngang đến thế nào.

Ngày nghỉ tôi đi phố sách, gửi xe máy ở Ngô Quyền đoạn cắt Đinh Lễ.

Nghe một chị thắc mắc sao vé xe những 10.000 đồng. Ông trông xe trợn mắt: “Vé ban ngày 5.000 đồng, xe các chị gửi chiều muộn, chả 10.000 đồng là gì.

Không gửi thì đi chỗ khác, ai khiến! Lắm chuyện!”.  Hỏi nội qui ở đâu, ông hất hàm ra cái cây gần đó. Lò dò ra đó thấy biển ghi: Vé ban ngày 5.000 đồng, tối: 8.000 đồng. Chẳng con số nào là 10.000. Mấy tay trẻ ngồi gần cái cây cho biết mình cùng tổ trông xe phường Đồng Xuân. Và cũng thu lạm như tay trung niên kia.

Mỗi người lạm 2.000 đồng thì một ngày bao nhiêu? Mấy nghìn bạc, chẳng đáng thắc mắc? Lâu rồi, nghe chuyện ông Tây nọ vào siêu thị Việt Nam, kiên quyết đòi tiền thừa vài trăm đồng (không đến 1.000 đồng). Lý lẽ của ông: “Tôi không tiếc mấy xu nhưng muốn biết nó sẽ vào túi ai?”.

Bao lâu nay thấy mấy nơi này nghiêm chỉnh nhất: Bãi gửi xe của Intimex Lê Thái Tổ và bãi ở Tháp Hà Nội. Còn thì loạn. Chẳng hạn cùng chợ Hôm nhưng giá gửi xe đoạn phố Huế cắt Trần Xuân Soạn luôn đắt gấp đôi đoạn phố Huế phía trên.

Dịp lễ, đến bãi gửi xe Gia Ngư cắt Đinh Liệt hoặc bãi Đinh Tiên Hoàng và bãi Cầu Gỗ cạnh Hàm Cá Mập, bạn mà mở miệng chê giá 20.000 đồng sẽ bị mắng át ngay: “Có chỗ nhận trông là phúc rồi!”.

Như thế đấy. Nghề trông giữ xe đất Hà Nội này, rất nhiều vị có phong độ của người “đầu thai nhầm thế kỷ”. “Ông chẳng qua làm tạm việc này, có cơ hội thì biết tay nhau”. Khiến người ta khiếp hãi Thủ đô, khiếp từ ông trông giữ xe, chị bồi bàn trở đi.

Có điều kiện là gian ngay.  Ai thắc mắc sẽ mang tiếng keo kiệt. To ăn kiểu to (quan chức, viên chức), nhỏ ăn kiểu nhỏ. Chả thế mà oánh nhau vì một suất thầu bãi xe. Nhất là bãi trông xe bệnh viện, mở mắt là thấy tiền, đều như vắt chanh.

Gian dối lại trịch thượng nên khó mà tôn trọng. Chục năm trước tôi đưa con đi công viên Thống Nhất. Vừa qua cửa đã được mặc cả: “Gửi xe không lấy vé sẽ rẻ hơn” (hình thức lậu vé). Vào Nhà Cười hoặc chơi đu quay cũng toàn vé rời, nghĩa là vé bán cho khách xong xin lại để bán cho người khác. Quay không biết bao nhiêu vòng.

Cho nên lần đó nghe loa nhắc phụ huynh bế “cháu bé mặc váy hoa” xuống vì đã hết lượt, tôi bèn nhẹ nhàng nói với nhóm quản đu quay: “Nãy giờ thấy các chị không xé vé từ một quyển vé nào mà toàn vé rởm, vé quay vòng, cho nên con tôi, nó thích ngồi đến lúc nào thì ngồi”. Mấy chị nhìn nhau im lặng. Con bé ngồi đu đến chóng cả mặt, chán hẳn, tôi mới thèm bế xuống.

Nào bãi xe không phép, trái phép, nào trốn thuế trước cổng cơ quan thuế, nào lợi ích nhóm, móc ngoặc để trúng thầu (bãi ô tô, xe máy). Vân vân. Vừa bước ra đường bạn đã thấy bất ổn, thấy một bầu không khí đậm đặc gian tà - từ chiếc vé gửi xe nhỏ bé cho đến các “ngạch” khác, thử hỏi có hạnh phúc, thoải mái được không? Riêng vụ xe pháo, chỉ còn cách minh bạch hoặc gọi cổ “anh ông nghệ” vào cuộc, mới mong vãn hồi trật tự. Chứ đường dây nóng đường dây nguội lập ra bao năm, có ăn thua gì đâu!

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.