Giọt nắng bên thềm - tuyệt phẩm
Hoa cúc vàng là bài Thanh Tùng viết cho người vợ chết trẻ, viết năm 2008, trước khi ông bị tai biến. Ca từ rất riêng tư: Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về... Muốn nói với em rằng, trái tim này mong manh...
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân trong lời điếu, ghi nhận sự nghiệp của Thanh Tùng, nổi lên từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, rằng nó đánh dấu bước chuyển của nhạc nhẹ Việt Nam, đó là đến gần công chúng hơn, bình dị, nhân văn hơn. Và có ý nhận định đỉnh cao của Thanh Tùng chính là ca khúc Một mình.
Người cha gần trăm tuổi đặt hoa tiễn đưa con. ảnh Đình Thắng.
Một mình được nhiều người đồng cảm còn các ca sĩ nổi tiếng tranh nhau hát, như từng tranh nhau hát Trái tim không ngủ yên, Em và tôi, Hoa tím ngoài sân, Ngôi sao cô đơn, Giọt sương trên mí mắt... nhưng sang trọng từ giai điệu đến ca từ phải là Giọt nắng bên thềm! Vừa lãng mạn vừa khinh bạc. Lâu lắm rồi em không đến chơi/Cây sen đá lá bạc như vôi/Sỏi đá rêu phong sỏi đá chưa quên chân người/Bài hát rêu phong bài hát viết không nên lời đã vội lãng quên.../Khi thấy buồn em cứ đến chơi/ Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi/Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi/Bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên/ Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên/Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên/ Trả lại cho tôi, trả lại cho em, trả về hư không giọt nắng bên thềm... Hoàn hảo. Tuyệt bút. Một trong những ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam hay nhất. Nhắc Phó Đức Phương người ta phải nhớ ngay ra Trên đỉnh phù vân, nói Phú Quang là Em ơi Hà Nội phố, còn Giọt nắng bên thềm là đỉnh cao mà chính Thanh Tùng khó vượt.
Lưu ảnh và lưu bút của con gái nhạc sĩ nhớ về cha mẹ.
Gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha ở đám tang, anh đồng ý với tôi rằng Giọt nắng bên thềm là đỉnh cao mà ngay cả các nhạc sĩ nổi tiếng nhất cũng khó vươn tới. Song theo anh, Một mình có nét rất Hà Nội, mà đám tang lại làm ở Hà Nội, nhạc sĩ cũng sinh sống chặng cuối đời ở đây cùng con cháu. “Thanh Tùng chỉ có hai bài viết về Hà Nội là Một mình và Lối cũ ta về”- theo Thụy Kha.
Thụy Kha cho rằng không người nào viết về Hà Nội mà lại đi vào cá nhân như Thanh Tùng. Bài hát nói về nỗi niềm riêng tư của nhạc sĩ nhớ thương người vợ- một phụ nữ người Hà Nội, song lại gợi được hình ảnh của cả Hà Nội một thời: Nhớ em vội vàng trong nắng trưa áo phơi trời đổ cơn mưa/Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa... Thụy Kha đánh giá Thanh Tùng xuất sắc khi kết hợp được chất pop của Pháp và Jazz của Mỹ trong các ca khúc hoàn toàn tự viết lời. Về ca từ, anh Kha cho rằng Thanh Tùng học được nhiều ở Trịnh Công Sơn (hai người rất thân nhau) nhưng Thanh Tùng đời hơn, sau này Trịnh Công Sơn bị Thanh Tùng ảnh hưởng trở lại.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thì gọi Thanh Tùng là “một tài năng có sức tỏa sáng và áp đặt”. Áp đặt? Còn nhạc sĩ Phú Quang, người cũng khá kiệm lời khen đồng nghiệp, cách nay hơn hai chục năm từng nhận xét Thanh Tùng “làm nhạc phim rất giỏi”. Thanh Tùng vốn nổi tiếng về tài hòa âm phối khí còn ca khúc đi thẳng từ phim ảnh ra cuộc đời của ông thì không thể quên Vĩnh biệt mùa hè, Tình không biên giới.
Hạnh phúc như Thanh Tùng
Chưa đám tang nào mà hoa được kết nhiều, đẹp và trang trọng thế. Hoa lan, hoa hồng... tất cả đều một màu trắng tinh khôi. Cũng chưa từng thấy, trong không gian tưởng niệm ở nhà tang lễ, bên cạnh những bức ảnh chân dung rất nghệ sĩ của người vừa nằm xuống còn có ảnh thời trai trẻ của ông, đặt cạnh ảnh chân dung vợ, ảnh các con quây quần trong mái nhà hạnh phúc. Một cuốn lưu bút của người con gái kèm ảnh lưu niệm gia đình, giúp mọi người hiểu hơn về cuộc đời một nghệ sĩ được công chúng yêu mến còn con cái thì thần tượng.
Thanh Tùng (ngoài cùng bên trái) và bạn bè một thuở ở Hà Nội. ảnh: album gia đình.
Thanh Tùng sinh ở Nha Trang, 6 tuổi theo cha tập kết ra Bắc. Hóa ra ông là nam sinh trường Bưởi, yêu người con gái học cùng trường tên Minh (ông học cùng lớp anh trai của Minh). Minh kém ông 2 tuổi, trở thành vợ Thanh Tùng năm 21 tuổi khi ông du học ở Bắc Triều Tiên về. Bao lâu nay luôn nghĩ Thanh Tùng là người miền Nam đặc sánh dù biết ông sống ở Thủ đô cũng lâu, vả chăng ông có gương mặt của người Nam bộ. Trong sổ tang có người viết: “Thanh Tùng ơi! Tao là Kiên, bạn học trường Chu Văn An với mày đấy!Lớp 10A của chúng mình cũng chết gần hết rồi. Mày xuống đấy không buồn đâu vì cả lớp đang chờ mày...”.
Nhìn ảnh các “cậu tẩm” trường Bưởi, ai cũng tóc dài cợp gáy, riêng Thanh Tùng trông không lẫn đi đâu được. Ảnh hồi vài tuổi trông đã giống hệt về sau và nói chung tuy Thanh Tùng thuộc “trường phái ấn tượng” nhưng không nghĩ ông đẹp trai cho nên đã rất ngạc nhiên khi nghe nhà thiết kế Minh Hạnh gọi ông là một người đẹp trai và rồi xem ảnh thời trẻ thì thấy quả thật!
Trong cuốn sổ lưu niệm, Bạch Dương, con gái út Thanh Tùng kể hồi ông khuếch trương kinh doanh, chị dự cảm “thuyền to sóng lớn” nên nói “Con có cần nhiều tiền đâu mà ba làm nhiều thế”, ông đáp “Tao không làm cho mày mà cho cháu tao”. Thanh Tùng là một nghệ sĩ đã sớm không cam phận nghèo, thành đạt sớm. Dám chấp nhận, dám phiêu lưu mạo hiểm. Nhà văn Trần Thị Trường có mặt trong đám tang, nói với tôi về một tính cách Thanh Tùng “thẳng tính, ngang tàng đúng kiểu Nam bộ dù hơn hai chục năm sống ở Thủ đô.Trong khi một số nhạc sĩ Hà Nội vào Nam giữ khá giỏi chất Hà Nội kể cả chất “khôn khôn”, giỏi be chắn”. Về đời tình ái của nhạc sĩ, ít nhất người ta nhớ các ca sĩ Ngọc Thúy, Ngọc Bích, Hồng Thanh (Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương, nay là Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), và Hoàng Mến- từng dự thi hoa hậu của báo Tiền Phong.
Hà Nội ngày đưa tiễn Thanh Tùng trời mưa nhỏ, hơi xám, đưa ông về Phú Thọ thì nắng hửng. Một đám tang không chút bi lụy kể cả giây phút người con trai trưởng cảm ơn người dự tang và rồi “con chào bố”. Không nhận tiền phúng điếu, tổ chức chu đáo, lo cho người dự từ suất ăn ở chặng Hà Nội - Phú Thọ. Nhưng không thấy một “không gian âm nhạc” khác biệt như báo chí đưa tin trước đó. Cuối cùng, được biết: Nhạc sĩ Quốc Trung quả có chuẩn bị nhưng gia đình thấy bản phối không đạt. Cho nên chỉ có Hoa cúc vàng vang lên trong không gian đầy hoa và nến ở nhà tang lễ, còn sau đó tiễn ông về nơi chốn cuối cùng, thì là những ca khúc đã khiến Thanh Tùng trở thành một trong những nhạc sĩ được hâm mộ nhất Việt Nam, cũng có nghĩa là hạnh phúc nhất. Mỗi người cầm một bông hồng đỏ, đặt viền theo ngôi mộ mới đắp. Suốt chặng tiễn đưa, người ta thấy một ông cụ đẹp lão chống gậy ưu tư, đó là người cha của nhạc sĩ đã gần trăm tuổi, khi xưa là một cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Nơi Thanh Tùng an nghỉ là một khuôn viên rộng chừng 3.000m2, nằm dưới chân tượng Phật lớn. Xung quanh trồng nhiều cây tùng. Cách mộ Trần Lập không xa. Nơi ở của nhạc sĩ không đắp cao mà trồng cỏ xen kẽ những bông hoa màu tím. Người nhà dự định mô phỏng khu tưởng niệm Thanh Tùng giống khu vườn trong Sài Gòn mà ông từng sinh sống, có cây khế, cây roi, khóm hoa màu tím, cảm hứng cho Hoa tím ngoài sân và nhiều ca khúc của ông.