Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo

TP - Nhà văn Lê Minh Khuê, cựu phóng viên báo Tiền Phong nói: “Từ ngày xưa báo Tiền Phong đã có những người rất ghê, rất hay. Bùi Ngọc Tấn, Tất Vinh, Mạc Lân...Trong số đó phải có Mai Nam”. Các thế hệ đồng nghiệp cùng những người yêu mến Mai Nam đã chia tay nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo của mình vào buổi sáng mùa đông ấm áp 10/1/2016.

Nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo

Mới 18 tuổi, con nhà trí thức, viên chức ở Bắc Ninh, Mai Nam đã cùng anh trai - họa sĩ Tôn Đức Lượng lên chiến khu Việt Bắc làm tuyên huấn cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Năm 1953, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc chủ trương ra báo Tiền Phong thì ông cùng anh trai mình là hai trong 6 người khởi sự số báo đầu tiên tại bản Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Cho đến khi kháng Pháp thắng lợi, ông vừa thực hiện các khâu kỹ thuật vừa xuyên rừng vượt suối trên xe đạp mang bài đi in, mang báo phát hành.

Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo ảnh 1

NSNA Mai Nam đang ngắm ảnh của mình và đồng nghiệp căng ngang dòng suối ở Perpignan, Pháp (trong Liên hoan Thị thực cho hình ảnh).

Năm 2014 ở tuổi 84, Mai Nam có cuộc giới thiệu tác phẩm cuối cùng tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội và Liên hoan Thị thực cho hình ảnh- một liên hoan ảnh báo chí thế giới của Pháp lịch sử 26 năm, có tiếng vang trên thế giới. Sự góp mặt của Mai Nam cùng ba cựu phóng viên chiến trường - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) nổi danh khác, ghi dấu ấn lần đầu tiên ảnh chiến tranh Việt Nam xuất hiện trong liên hoan. Được mời giới thiệu về mình, Mai Nam nói đơn giản: “Tôi là người kháng chiến và yêu nghệ thuật nên ảnh của tôi có tính chiến đấu và tính nghệ thuật. Tôi săn đuổi bức ảnh chân thật hấp dẫn người xem”.

Chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhiều phóng viên Tiền Phong sớm có mặt ở chiến trường: Sơn Tùng (Búp sen xanh), Phan Cung Việt, Tâm Tâm, Phạm Hậu, Hoàng Thiết, Quang Huyền... Năm 1968 Mai Nam xung phong đi Vĩnh Linh, Quảng Bình, Quảng Trị phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân dân tuyến lửa. Trước đó ông trụ ở túi bom Yên Vực - cụm trận địa bờ Bắc sông Mã bảo vệ cây cầu chiến lược Hàm Rồng, Thanh Hóa. Suốt cuộc kháng  chiến ông lăn lộn, săn những bức ảnh ngồn ngộn hiện thực sống chiến đấu và lao động.

Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo ảnh 2

NSNA Mai Nam trả lời phỏng vấn ở Liên hoan "Thị thực cho hình ảnh"

Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo ảnh 3

Một trong 4 phóng viên chiến trường Viêt Nam được săn đón ở Pháp năm 2014

Một trong số nhân vật của Mai Nam - Nguyễn Thị Hiền (ảnh Đi trực chiến - giải thưởng Nhà nước 2007), tiểu đội trưởng dân quân Yên Vực từng trải qua 800 đợt rải bom, bị B52 chôn sống 4 lần. Còn Mai Nam? NSNA Đinh Quang Thành bạn thân ông ghi sổ tang: “Tôi và anh, chúng ta đã cùng nhau vào sinh ra tử những năm chống Mỹ”. Để nói câu nhẹ bỗng này, họ đã đi qua những tháng năm rất đỗi bi tráng, hào hùng.  

Đời thường người nổi tiếng

Có những người khi nằm xuống, người ta mới có dịp nhìn lại, tổng kết, thì ra rất nhiều bất ngờ.

Mai Nam nhiều giải thưởng trong ngoài nước, nhiều huân huy chương, đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở Hội NSNA Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội thì không phải ai cũng biết và hóa ra ông còn sở hữu nhiều thứ độc đáo, đầu tiên khác. Chẳng hạn, ông là người đầu tiên làm chủ kỹ thuật ảnh màu ở miền Bắc, và từng chụp những ảnh hiếm về Bác Hồ.

Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo ảnh 4

Hình ảnh phóng viên chiến trường, hình ảnh nghệ sĩ - chiến sĩ - nhà báo luôn tuyệt đẹp, cả trong khói lửa chiến tranh lẫn hôm nay hòa bình nhìn lại.

Lần đầu Mai Nam gặp Bác là năm 1952 khi đi công tác ngang đèo De (Thái Nguyên). Nhận ra cụ già cưỡi ngựa lưng đèo, Mai Nam tiến lại chào. Bác giơ tay ra hiệu giữ bí mật. Ba năm sau ông chụp được bức ảnh Bác đầu tiên, tổng cộng 200 bức cho đến tháng 5/1969 trước khi Bác mất.

Ông từng ngỏ ý hiến tặng Bảo tàng Hà Nội kho ảnh Bác quí giá nhưng không thấy bảo tàng nói gì. Hôm nay giở ra ngắm lại hình ảnh Bác đi bỏ phiếu ở trường mẫu giáo (1963), Bác đi cấy (1966), Bác đứng ở bao lơn Nhà hát Lớn tại kỳ họp Quốc hội khóa 2, Bác và Tổng bí thư Lê Duẩn trao đổi trên lễ đài mít tinh ngày 1/5/1969... mới thấy giá trị những bức ảnh này dường như chưa được khai thác hết.

Nhà báo Xuân Ba thấy sự “lẳng” trong ảnh Mai Nam dù chụp phụ nữ thời bình hay thời chiến còn nhà báo Lê Xuân Sơn, như nhiều người, nhận thấy: “Ảnh của ông không chỉ phản ánh sự khốc liệt và chủ nghĩa anh hùng mà còn một điểm đặc trưng rất Mai Nam- chất nhân văn, nét đẹp đời thường của người Việt Nam, vẻ đẹp không mất đi cả trong hoàn cảnh và thời điểm khốc liệt nhất”. 

Nhiều nhà nhiếp ảnh tên tuổi gọi Mai Nam là thầy; còn các hoa hậu, người  mẫu trìu mến gọi “bố”, thường bá vai bá cổ bố. Khi nói về cái ghê, hay của lớp phóng viên kỳ cựu Tiền Phong trong đó có Mai Nam, nhà văn Lê Minh Khuê có ý nói họ không chỉ giỏi nghề, và còn điều này nữa: “Xưa khó khăn thiếu thốn, mọi người phải sống rất xo xúi còn Mai Nam hồi đó đã rất nghệ sĩ, không bao giờ để ý chuyện vặt”.

Chia tay Mai Nam - nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo ảnh 5

NSNA Mai Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các NSNA Pháp và Anh tại Perpignan, Pháp 2014

Nhưng  ngay cả người Tiền Phong không phải ai cũng biết ông có một gia tài đồ sộ ra sao. Người làm báo, quanh năm lăng xê người ngoài còn “người nhà” thì sơ sẩy, quên béng. Mai Nam đi Đông đi Tây triển lãm ảnh, đào tạo bao thế hệ NSNA, bên ngoài quí hóa trọng vọng thế mà Hồng Vĩnh- con trai kiêm đồng nghiệp của ông ở Tiền Phong đôi khi cũng quên hoặc do khiêm tốn sao đó mà ít cập nhật về cha cho mọi người biết, nhất là sau khi ông về hưu năm 1993.

Nghe NSNA Chu Chí Thành kể chi tiết này, tôi không hề ngạc nhiên: Phóng viên chiến trường kỳ cựu Patrick Chauvel, nhà tổ chức của Liên hoan Thị thực cho hình ảnh  năm kia cùng Mai Nam về Thanh Hóa gặp lại bà Hiền, nhân vật trong bức Đi trực chiến nổi tiếng, đã rất ngỡ ngàng thấy như thể anh trai gặp lại em gái. Tôi tin với các nhân vật khác, Mai Nam cũng tình cảm thế. Chuyến hành hương về nguồn- bản Dõn ở Tuyên Quang nhân  kỷ niệm 60 năm thành lập báo, chúng tôi đã chứng kiến ông chảy nước mắt nhắc tên những người từng gặp hơn 6 chục năm trước (khi ông làm những số báo đầu tiên ở đây), và còn có cơ hội nắm tay một hai người còn lại trong số họ, rưng rưng tựa người thân lâu ngày trở về.

Nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo nổi tiếng này chả bao giờ giấu giếm chuyện ông yêu phụ nữ, nên cũng chẳng ngạc nhiên khi ông là một trong số nghệ sĩ tiên phong chụp ảnh nuy. Ông thường cười tít mắt khi đám con cháu liệt mình vào hội “Týp phờ nờ” ở cơ quan. Ngày tôi mới về báo, ông quan sát một lượt bằng ánh mắt tinh quái, bắt giơ bàn tay để ông chụp một bộ ảnh cũng có thể coi là độc nhất vô nhị, và về sau mỗi lần đến cơ quan chơi, câu đầu tiên bao giờ cũng là đòi “Cho xem tay đẹp nào”. Gặp Mai Nam hoặc cộng tác viên vui tính như nhiếp ảnh gia lão thành Quang Phùng trong thang máy thì cứ gọi là tha hồ cười ha hả về đủ chuyện, như chuyện cùng hỏi thăm một phụ nữ vừa sinh đôi con trai rồi đùa sau lưng cô kia “Thời buổi này đẻ hai trai một lúc thì tự tử quách”. Đâu phải với đồng nghiệp cựu trào nào cũng được như vậy- điều này phải nói rõ. Cùng lứa hoặc cùng về báo một đợt- như tôi với Trần Tuấn (Trưởng đại diện miền Trung), Trung Dũng, Việt Tuấn (họa sĩ)..., bọn tôi vẫn răn nhau: Liệu mà hành xử kẻo về hưu chống gậy đến cơ quan xin tờ báo biếu chúng nó cũng không cho đâu. Mà nói chung ngoài 50 tuổi trở đi thì ít lảng vảng thôi. Hành xử ở đây không nhất thiết là làm vừa lòng tất cả (ai mà làm được thế, và cũng chẳng để làm gì). Với những đồng nghiệp như Mai Nam, dù bận đến mấy, trông thấy gương mặt đôn hậu nụ cười hóm hỉnh của ông, người ta ít nhất muốn dừng lại thăm hỏi đôi câu, thậm chí còn đưa tay cho cầm một lát  và nói những câu không lễ phép lắm như “Trai lơ vừa thôi nhá”, mà người trai lơ, lẳng lơ này đã ngoại sáu bảy tám mươi rồi.

Nếu bạn từng có mặt tại Liên hoan Visa pour L’image (Thị thực cho hình ảnh) tại Perpignan năm 2014, bạn sẽ nhớ mãi bốn nhà nhiếp ảnh Việt Nam được vinh danh.

Chúng tôi tự hào từng được đón tiếp Mai Nam tại Perpignan và trao đổi  nghề nghiệp với ông ấy. Sự tham dự của Mai Nam và những người bạn nhiếp ảnh là kỷ niệm chúng tôi không bao giờ quên.

(Trích thư chia buồn của Ban tổ chức Liên hoan Thị thực cho hình ảnh, Pháp)

MỚI - NÓNG