Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất châu Á và đứng thứ 36 trong tổng số 177 quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí. Trong đó, giao thông vận tải được coi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai tại nước ta và chiếm 18% tổng lượng phát thải. Ngành giao thông vận tải đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan để góp phần bảo vệ môi trường.
Chia sẻ tại lễ phát động "Chuyển đổi xanh - chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững" do báo Lao động tổ chức trong sáng nay (28/3), ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết việc khuyến khích sử dụng phương tiện xanh không chỉ phụ thuộc vào các chính sách kinh tế, mà đòi hỏi một loạt giải pháp tổng thể từ hạ tầng đến truyền thông và thay đổi hành vi người dân.
Theo ông Tiến, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư quy định về phương tiện xanh, trong đó tạo hành lang ưu tiên cho xe có mức phát thải thấp hoạt động ở một số khu vực nhất định. Ngược lại, các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ bị hạn chế lưu thông tại các vùng quy hoạch cụ thể.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng. Ảnh: Lộc Liên. |
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nâng mức yêu cầu đối với các loại xe lắp ráp mới và đặt ra ngưỡng tiêu chuẩn cao nhằm kiểm soát khí thải ngay từ khâu sản xuất. Trong khi đó, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách về giá điện cho trụ sạc theo chỉ đạo của Chính phủ và đây là yếu tố được xem là chìa khóa để khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện.
Ngoài ra, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng đang cùng nhiều đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn riêng cho hệ thống trạm sạc ô tô điện tại các trạm dừng nghỉ, bến xe và các khu đô thị nhằm rút ngắn thời gian sạc.
Trong tương lai gần, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh việc tích hợp hạ tầng giao thông công cộng như các tuyến đường sắt đô thị vào quy hoạch đô thị một cách bài bản, nhằm thay đổi thói quen di chuyển cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.
“Các nhà sản xuất cần đóng vai trò tích cực hơn, không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải truyền thông rõ ràng để xóa đi những lo ngại còn tồn tại về chất lượng, độ bền hay tính an toàn của xe điện”, ông Tiến nói và cho rằng chuyển đổi xanh trong giao thông đô thị là một tiến trình cần sự đồng hành của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
![]() |
Sẽ xây dựng tiêu chuẩn riêng cho hệ thống trạm sạc điện tại các trạm dừng nghỉ, bến xe và các khu đô thị nhằm rút ngắn thời gian sạc. Ảnh: Lộc Liên. |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội - cho biết, đối với việc thúc đẩy giao thông xanh, thành phố đang triển khai hệ thống giao thông công cộng hiện đại như xe buýt điện, các tuyến đường sắt đô thị, làn đi xe đạp và các khu vực đi bộ. Những biện pháp này không chỉ góp phần giảm thiểu khí thải, khí nhà kính, cải thiện sức khoẻ cộng đồng mà còn giúp chuyển đổi, sắp xếp lại hệ thống giao thông thành phố theo hướng thông minh và thuận tiện hơn.
Hà Nội còn xây dựng vùng phát thải thấp nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường để cải thiện chất lượng không khí. Trước mắt thành phố sẽ thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và sau này sẽ mở rộng đến các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hoa, hiện Hà Nội đang tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và dự báo chất lượng không khí, thực hiện các biện pháp giảm bụi mịn từ các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.