Chi tiêu quân sự thế giới tăng lần đầu tiên sau 4 năm

Ảnh minh họa: myinforms
Ảnh minh họa: myinforms
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 4/4, lần đầu tiên sau 4 năm sụt giảm, chi tiêu quân sự của các nước đã gia tăng trở lại trong năm 2015. Nguyên nhân là do tình trạng căng thẳng quân sự leo thang trên phạm vi toàn cầu trong năm vừa qua.

Tính đến hết năm 2015, tổng số tiền các nước chi cho quân sự đã lên tới 1,67 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm 2014. Theo SIPRI, chi tiêu này tăng lên chủ yếu là do rót vào khu vực Đông Âu, châu Á và Trung Đông, trong khi sự sụt giảm trong chi tiêu quân sự chi cho phương Tây vẫn giữ nguyên như các năm trước.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có mức chi tiêu dành cho lực lượng vũ trang cao nhất thế giới. Chi tiêu quân sự của Washington trong năm 2015 là 596 tỷ USD, giảm 2,4% so với năm 2014 và giảm nhẹ so với mức chi trong những năm gần đây.

Ông Sam Perlo-Freeman, nghiên cứu viên cấp cao tại SIPRI, nói rằng Mỹ hiện nay đang có những khoản chi dành cho các chiến dịch đối phó với các diễn biến phát sinh bất ngờ từ nước ngoài, xuất phát từ cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Trong khi đó, số tiền Trung Quốc chi cho quân sự là 215 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao thứ hai trên thế giới. Tiếp sau đó là Ả Rập Xê út với 87,2 tỷ USD, vượt qua Nga trở thành quốc gia thứ ba trong danh sách các nước mạnh tay chi hầu bao cho quân sự. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga xếp ở mức thứ 4 với 66,4 tỷ USD.

Trong vòng 10 năm, từ năm 2006 đến năm 2015, chi tiêu quân sự của Mỹ đã giảm 4%, trong khi chi tiêu của Trung Quốc tăng tới 132%. Mức chi của Ả Rập Xê út và Nga cho quân sự cũng tăng lên đáng kể, tương ứng 97% và 91%.

Nếu trong năm 2014, Pháp là quốc gia thứ 4 có mức chi tiêu quân sự cao nhất thế giới, thì tới năm 2015 quốc gia này đã tụt xuống vị trí thứ 7, xếp sau Anh và Ấn Độ.

Tại các nước Đông Âu, chi tiêu quân sự vẫn tiếp tục giảm dù mức giảm không quá nhiều trong những năm gần đây.

Cũng theo ông Perlo-Freeman, “nguyên nhân gây xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự của các nước là tình hình của Nga, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO”. Ông cũng nhấn mạnh rằng các thành viên của NATO đều nhất trí duy trì chi phí quân sự ở mức 2% tổng sản phẩm nội địa cho đến năm 2024.

Theo SIPRI, tại khu vực châu Á, chi tiêu quân sự tại các nước Indonesia, Philippines, Nhật Bản tăng lên phản ánh tình hình căng thẳng liên quan tới Trung Quốc và Triều Tiên.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG