Chi phí không chính thức làm môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
TPO - Theo Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh. Nếu để khoản chi phí này tồn tại và lan trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Đầu tư, xây dựng, đất đai thuộc nhóm cuối về mức độ cải thiện

Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp báo công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ tục hành chính năm 2020 (APCI).

Việc khảo sát được thực hiện ở 9 nhóm TTHC quan trọng là: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo, để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Trong lĩnh vực đất đai là là 20,2 giờ, chi phí trực tiếp là gần 4,3 triệu đồng; Giao dịch thương mại qua biên giới là 7,3 giờ, chi phí trực xấp xỉ 3 triệu đồng; TTHC xây dựng là 21,2 giờ, và 4,7 triệu .

Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong lĩnh vực xây dựng, kết quả khảo sát cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp thì có đến gần 16 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện, với mức chi phí dịch vụ trung bình là hơn 125 triệu đồng.

Chi phí không chính thức làm môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh ảnh 1 Kết quả khảo sát chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020

Về xếp hạng, theo báo cáo, đứng đầu mức độ cải thiện là lĩnh vực thuế; thứ hai là kiểm tra chuyên ngành; thứ ba môi trường; thứ tư làmức độ cải thiện điều kiện kinh doanh và đứng cuối là các nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới.

“So sánh kết quả APCI trong ba năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước, phần lớn các nhóm TTHC đều có điểm số tốt hơn. Kết quả tích cực này phản ánh những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Trong số chín nhóm TTHC được đánh giá, nhóm TTHC về Thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.

“Các nhóm TTHC về thuế và khởi sự doanh nghiệp, hai nhóm dẫn đầu trong APCI 2018, 2019 và 2020 với mức chi phí tuân thủ thấp, là những chỉ dấu tốt thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.

Doanh nghiệp “bất an” bởi thanh tra, kiểm tra nhiều

Từ những kết quả năm 2020, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Hội đồng tư vấn cho thấy, chi phí không chính thức vẫn có ở tất cả các nhóm TTHC, các công đoạn, đặc biệt là ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh như kiểm tra chuyên ngành, giao dịch thương mại qua biên giới, đất đai, xây dựng, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.

Chi phí không chính thức làm môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh ảnh 2 Các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC chủ trì cuộc họp báo

“Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, theo đánh giá của Hội đồng tư vấn, dù không lớn nhưng chi phí không chính thức cũng tạo ra trở ngại khác, như thời gian, tính công bằng và rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Nếu để khoản chi phí này tồn tại và lan trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra, qua phản ánh của doanh nghiệp cho thấy vẫn còn có quá nhiều đợt kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho doanh nghiệp cảm thấy “bất an” trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp mong muốn công tác này thân thiện và có tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng “tìm soát lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.