Ngày 12/3, tại hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, năng suất lao động bình quân khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DN nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.
“Những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch. Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức...”, ông Dũng nói.
Là người trực tiếp thực hiện khảo sát về sự phát triển của DN tư nhân, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, một trong những gánh nặng lớn nhất của DN là việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần.
“Gần 20% số doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết, bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng vẫn bị kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra đang tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Nhiều DN phản ánh, họ sợ nhất thanh tra, kiểm tra. Ví dụ trong trường hợp DN đã chia cổ tức hằng năm. Vài năm sau, cơ quan thanh tra vào cuộc, yêu cầu truy thu thuế, DN không biết xử lý như thế nào?”, ông Hiếu nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, cần tìm cách khơi thông, giải phóng điểm nghẽn nguồn lực để khu vực tư nhân trong nước phát triển. Cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp giúp DN nhỏ và vừa lớn lên. Có giải pháp tạo lòng tin để người dân, nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn kinh doanh thay vì đi mua vàng, USD.
Ông Hiếu cho rằng, để khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, cơ quan quản lý nhà nước cần giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ DN. Trong phân bổ nguồn lực, Nhà nước cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.