Dịch cúm gia cầm tái phát ở 10 tỉnh, thành:

Chỉ đạo chống dịch cúm gia cầm bị buông lỏng

Chỉ đạo chống dịch cúm gia cầm bị buông lỏng
TP - Cuối giờ chiều qua (28/5), Cục Thú y cho biết: Thêm 1 ổ dịch vừa phát tại hộ ông Nguyễn Văn Bộ ở thôn Đại Trạch (xã Đình Tổ, Thuận Thành). Như vậy, từ 1 - 28/5, dịch cúm gia cầm đã tái phát ở 22 xã thuộc 18 huyện của 10 tỉnh, thành.

Đó là các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh, Cần Thơ, Sơn La, Nam Định, Đồng Tháp, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình và Bắc Ninh. Tổng cộng đã có 49.248 con gia cầm, thủy cầm mắc bệnh và tiêu hủy.

Hôm qua, 28/5, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị khẩn cấp bàn biện pháp giải quyết.

Dịch phát từ đâu?

Đại diện ngành NN&PTNT của 32 tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc sáng qua đã tề tựu đông đủ tại Hà Nội để cùng Bộ và Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng chống dịch CGC bàn biện pháp phòng chống hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải xác định đúng nguyên nhân dịch tái phát, đặc biệt chỉ rõ việc tái phát dịch là do virus tồn tại ở nơi sản xuất giống hay là sẵn có tại nơi phát dịch.

Ông Trần Lâm Bình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình-không giấu được sự lúng túng khi xác định nguyên nhân tái phát dịch: “Khi chúng tôi đến kiểm tra tại gia đình có đàn vịt mắc bệnh thì gia đình này cho biết, đàn vịt này mua từ Nam Định, qua một thương lái nên không biết đã được tiêm phòng hay chưa. Chúng tôi nghi ngờ khả năng đàn vịt này mang virus H5N1 từ Nam Định…”.

Nghe ý kiến này, đại diện Sở NN&PTNT Nam Định phản ứng: “Không nên đổ lỗi cho nhau. Chúng ta phải xác minh kỹ xem có đúng là ổ dịch đó bị lây từ Nam Định không”.

Nhưng rồi cũng chính vị này khi lý giải nguyên nhân các ổ dịch vừa xảy ra tại 7 xã thuộc 6 huyện (tính từ 19/5 đến nay) lại đổ lỗi cho các địa phương khác: “Qua kiểm tra, chúng tôi được biết, vịt mắc bệnh có đàn được mua về từ Thái Bình, có đàn mua từ Hà Nam, Hà Tây…”. Ông Đoàn Duy Ái - Chi cục trưởng Thú y Quảng Ninh - thì khẳng định: “Đàn ngan mắc dịch ở Quảng Ninh có nguồn gốc từ Ninh Bình…”.

Thế là việc xác định nguồn virus lại thêm rối. Ông Lò Văn Tăng - Chi cục trưởng Thú y Sơn La cho biết: Cả 4 ổ dịch CGC từ năm 2003 đến nay (ổ dịch mới nhất ngày 18/5/2007 tại xã Chiềng Mai, Mai Sơn) đều do người dân vận chuyển từ dưới xuôi lên.

Theo gia đình có đàn vịt mắc dịch ngày 18/5, số vịt này được mua từ Hà Tây ngày 23/4. “Ở dưới xuôi có dịch động vật gì thì chắc chắn sẽ xuất hiện tại Sơn La” - Ông Tăng khẳng định.

Nguyên nhân mà ông đưa ra là do động vật mang mầm bệnh từ dưới xuôi lên. Bị nhắc đến địa phương mình quá nhiều, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tây-xung phong phát biểu: “Chúng tôi rất mong muốn các địa phương chỉ rõ nguồn cung cấp giống gia cầm, thủy cầm mắc bệnh. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Nếu cứ nghe một số hộ chăn nuôi khai rằng mua ở Hà Tây thì rất chung chung và không khách quan…”.

Theo bước chân cũ, ông Đăng lại đưa ra con số: Có hơn 30% trứng gia cầm, thủy cầm mang về ấp tại các trại giống ở huyện Phú Xuyên không rõ nguồn, “chắc là từ tỉnh khác mang đến”!

Rất đáng lo ngại

Thế là một trong những mục đích của hội nghị khẩn cấp với sự góp mặt của đại diện 32 tỉnh, thành, rồi BCĐ Quốc gia phòng chống dịch CGC và nhiều nhà khoa học đã không giải mã được nguyên nhân tái phát dịch.

Ông Hoàng Đăng Huyến - Chi cục trưởng Thú y Bắc Giang:

Tại ổ dịch mới, chúng tôi đã huy động rất đông lực lượng bao vây, anh em nói vui là người nhiều hơn cả vịt, gà. Thế nhưng, cũng không thể kiểm soát hết được, vẫn có hộ gia đình mang vịt ra khỏi địa phương

Chính từ đó cùng với thực tế sự lây lan nhanh và nhiều điểm bất thường so với quy luật khiến cả hội nghị lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng; trong khi đó nhiều vấn đề liên quan công tác chống dịch bị bỏ ngỏ.

Tại Ninh Bình, mặc dù sau khi ổ dịch phát 25/5, các cơ quan chức năng địa phương đã tích cực bao vây, dập tắt ổ dịch và tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh nhưng nguy cơ dịch bùng phát vẫn cao.

Ông Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra nhưng thật bất ngờ khi nhiều chốt kiểm dịch động vật được thành lập nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Khoảng 7 giờ sáng, ngày 27/5, tại chốt kiểm dịch trên QL 10 nối Nam Định với Ninh Bình, đoàn kiểm tra phát hiện trường hợp bán vịt “chạy dịch” từ Nam Định sang.

Ông Đoàn Duy Ái - Chi cục trưởng Thú y Quảng Ninh, lo lắng: “Người dân chủ quan, lơ là; trong khi đó, lực lượng thú y quá mỏng. Nếu dịch phát tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng thì virus sẽ theo nguồn nước chảy xuống, Quảng Ninh sẽ khó tránh khỏi dịch…”.

“Các tỉnh ở cửa ngõ Thủ đô hầu hết đã mắc dịch nên nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ dịch tràn vào Hà Nội là khó tránh khỏi” - Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nói.

Tại hội nghị, ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Thú y, tỏ ra ái ngại về sự lây lan của dịch. Ông Quang Anh thừa nhận: “Rất khó kiểm dịch một cách chặt chẽ, mặc dù đây là khâu quan trọng bậc nhất; sau đó là khâu tiêm phòng”.

Ông Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện “tiêm tốt” (đủ liều, đúng thời gian) và “tiêm trung thực” (không bỏ sót, tiêm tất cả cá thể) và phải giám sát kết quả bảo hộ sau tiêm phòng; coi trọng tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng chứ không chạy theo mục tiêu tỷ lệ tiêm phòng.

Bộ trưởng NN&PTNT kiêm Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch CGC Cao Đức Phát, nhấn mạnh: “Đợt dịch này rất đáng lo ngại, vì qua các ổ dịch, chúng ta thấy virus hiện diện ở khắp nơi và đáng lo ngại hơn là, sau 17 tháng khống chế thành công, Việt Nam đã để 1 trường hợp nhiễm bệnh cúm A H5N1”.

Cũng theo Bộ trưởng Phát, hiện rất khó có thể xác định được virus gây ra các ổ dịch là virus ở nơi cung cấp giống hay đang có mặt ở tại các địa phương. Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Phát cho rằng, công tác chỉ đạo chống dịch bị buông lỏng, trong khi nguy cơ phát dịch lại cao.    

MỚI - NÓNG