'Chạy' qua những ngày gian khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong những ngày TPHCM phải giãn cách vì COVID-19, cả cộng đồng chạy bộ đã không hề ngồi yên mà vẫn “chạy” theo những cách thức khác nhau để hỗ trợ bệnh nhân và những người dân gặp khó khăn. Những người chạy bộ phong trào một lần nữa cho thấy, chạy bộ không chỉ đem lại sức khỏe, tạo sức đề kháng với virus, mà còn giúp các runner làm được nhiều việc ý nghĩa.

CLB chạy SRC - Sunday Running Club: Chia sẻ - Trách nhiệm - Kết nối

“Suốt thời gian đỉnh dịch của Sài Gòn, SRC đã thực hiện tổng cộng 21 đợt ghé thăm các bệnh viện và trạm y tế để gửi tặng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Ngày đầu tiên SRC kêu gọi sự hỗ trợ từ mọi người là ngày 28/7 và bắt đầu thực hiện chuyến đi đầu tiên sau đó 2 ngày”, anh Minh Nguyễn, một trong các thành viên ban quản trị của SRC – Sunday Running Club, nhớ lại.

'Chạy' qua những ngày gian khó ảnh 1

Các hoạt động hỗ trợ nhân viên y tế, người dân TPHCM trong những ngày dịch bệnh căng thẳng của các thành viên CLB SRC, D&F và PNF

SRC là câu lạc bộ chạy lâu đời trong cộng đồng chạy bộ phong trào với tôn chỉ mục đích Chia sẻ - Trách nhiệm – Kết nối (dịch từ tiếng Anh Sharing – Responsibility – Connecting).

“Lúc cao điểm của đại dịch, việc ra đường rất khó. Chúng tôi may mắn khi nhận được sự hỗ trợ phương tiện, giấy phép đi lại vì không phải ai cũng được phép ra ngoài nếu không có việc cần thiết. SRC nhắm đến đối tượng chính là các bệnh viện dã chiến và trung tâm y tế, lực lượng tiền tuyến nhằm đảm bảo chất lượng công việc, đúng trọng tâm. Đây là những nơi rất cần sự hỗ trợ chung tay của cộng đồng khi các nguồn lực đều thiếu”, anh Minh chia sẻ.

Biết được ý nghĩa của chương trình thông qua thông tin chia sẻ trên cộng đồng chạy bộ SRC, nhiều mạnh thường quân đã liên hệ tặng đồ bảo hộ y tế, sữa dinh dưỡng để ủng hộ.

“Nếu chỉ đọc thông tin qua các phương tiện truyền thông thì chúng tôi không thể hình dung ra hết được sự khó khăn, thiếu thốn của lực lượng y tế. Khi đến bệnh viện dã chiến Bình Chánh, chúng tôi mới thấy tận mắt sự nguy hiểm của COVID-19 rình rập bất cứ ai. Thời điểm ấy, nhiều người dân chưa tiêm vắc xin nên cái gì cũng sợ. Chúng tôi phải rất cẩn thận để bảo vệ bản thân, mang trang phục bảo hộ rất kỹ càng để giữ an toàn cho mình và mọi người”.

Ngoài tiếp tế cho tuyến đầu, SRC cũng có hỗ trợ vận chuyển hoa quả cho bà con nhưng nhu cầu của người dân thành phố rất lớn trong khi khả năng của nhóm có hạn. Nhiều lần, chúng tôi phải kết nối với các nhóm khác để có thể đưa hết đồ ủng hộ đến cho bà con.

CLB Pickup And Friends (PNF): Vận chuyển oxy miễn phí cấp cứu cho 4.000 ca

Dù không phải là runner thường xuyên tham gia các giải chạy bộ song anh Luk Ban La, Chủ tịch CLB Pickup And Friends (PNF), có sự kết nối khăng khít với cộng đồng chạy bộ.

Câu lạc bộ PNF đã có những sự hỗ trợ to lớn trong việc giao vận hàng thiết yếu: thuốc men, lương thực, thực phẩm, bình oxy đi khắp thành phố trong thời điểm đỉnh dịch.

“Chúng tôi có khoảng 150 xe đăng ký tham gia tình nguyện trong thời gian Sài Gòn phải giãn cách xã hội. Những chiếc xe “0 đồng” đã phát huy hiệu quả. PNF phối hợp với các chính quyền địa phương vận chuyển hàng hóa 0 đồng, hàng cứu trợ đến những nơi cần nhận sự giúp đỡ.

Tất cả các hoạt động của đội xe đều do các thành viên tự nguyện bỏ tiền, thời gian, chi phí bảo dưỡng… Nếu tính khoản này, mỗi tài xế đã phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trong 3 tháng đóng vai “người vận chuyển”.

Chia sẻ - Trách nhiệm – Kết nối cũng là tiêu chí hoạt động của CLB Pickup And Friends trong những ngày chống dịch. Suốt hơn 3 tháng ròng rã từ tháng 6 đến tháng 9 (riêng đội Oxy miễn phí hoạt động đến ngày 31/10), PNF thực hiện cấp cứu oxy cho khoảng 4.000 ca.

Tất cả các hoạt động của đội xe đều do các thành viên tự nguyện bỏ tiền, thời gian, chi phí bảo dưỡng… Nếu tính khoản này, mỗi tài xế đã phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trong 3 tháng đóng vai “người vận chuyển”.

“Anh em làm việc quên mình, căng thẳng như bước vào trận chiến vậy. Hồi tháng 7 khi Sài Gòn báo động quá, chúng tôi kêu gọi đóng góp mua bình oxy. PNF lập riêng một đội Oxy để vận chuyển bình đến các nơi có bệnh nhân cần thở oxy”, anh Luk Ban La cho biết.

“Chúng tôi xác định cống hiến càng nhiều càng tốt nên có đặt ra quy định khắt khe nhằm bảo đảm an toàn cho mình và mọi người. Nếu ai đó bị F1 thì phải tự cách ly 1 tuần, xét nghiệm âm tính rồi mới được đi làm tiếp. Tài xế bắt buộc mặc đồ bảo hộ kín hết toàn thân, hạn chế ra khỏi xe. Nguyên tắc là vậy nhưng khi va chạm thực tế thì không phải lúc nào cũng như ý muốn.

Có gia đình mà chúng tôi đến, cả nhà là F0 nên không ra lấy được, tài xế buộc phải vác bình oxy lên (hoặc xuống khi thu lại vỏ bình) tận mấy tầng lầu. Các bình oxy khi được tháo lắp trải qua nhiều bước khử khuẩn để hạn chế rủi ro. Nhiều tài xế sau dịch bị đau lưng do bốc vác nặng nhiều”.

PNF cũng đã phối hợp với SRC chuyên chở nhiều hàng cứu trợ cho các viện. “Đại dịch thì không có bài học nào học trước cả. Mọi người đều vừa làm vừa dò đường, tất cả bỏ hết cái tôi ra một bên vì một mục đích chung, cứu sống càng nhiều người bệnh càng tốt”.

Câu lạc bộ chạy Doctors And Friends: Quyên góp gel năng lượng, viên muối điện giải ủng hộ tuyến đầu chống dịch

“Xuất phát từ việc thấy các y bác sĩ, nhất là các bác sỹ và điều dưỡng nữ đang ở trong viện dã chiến mất điện giải rất nhiều, nhất là ca ban ngày. Trong ca làm việc, đội ngũ y bác sĩ không được nghỉ ngơi ăn uống và đi vệ sinh để tránh lây nhiễm và tiết kiệm đồ bảo hộ, nhiều bạn nữ cố gắng làm việc trong 2 tiếng thì hoa mắt chóng mặt không chịu nổi, hết ca làm về, cởi bộ bảo hộ ra thì cơ thể mất nước da tay da chân nhăn nhúm, teo tóp bợt trắng lại, và nhất là tình trạng bị co rút cơ. Nhiều người thử lấy tay gãi đầu không được vì các ngón tay cứ quắp lại.

Tôi đã mua trước một ít gel năng lượng và muối điện giải vẫn được các runner sử dụng khi luyện tập, thi đấu gửi cho các em ấy dùng thử và thấy hiệu quả nên tôi đi xin quyên góp từ cộng đồng chạy bộ”, chị Mỹ Châu, thành viên của câu lạc bộ chạy Doctors and Friends (D&F) chia sẻ về việc ủng hộ “đặc sản” của runner ở mỗi giải chạy thay vì các đồ thực phẩm khác.

'Chạy' qua những ngày gian khó ảnh 2

Câu lạc bộ chạy Doctors And Friends

D&F là nhóm chạy bộ với đa số thành viên là bác sĩ hiện đang công tác tại bệnh viện Việt Đức, bệnh viện K và một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội. Trong thời kỳ đỉnh dịch, D&F có ít nhất 2 bác sĩ làm trưởng đoàn chi viện cho miền Nam. Bác sĩ Lưu Quang Thùy (Bệnh viện Việt Đức) tham gia chống dịch ở viện dã chiến số 13 và bác sĩ Đoàn Trọng Tú (Bệnh viện K) trực chiến tại bệnh viện phổi Đồng Nai.

Cộng đồng chạy bộ ngoài Hà Nội hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều CLB chạy như Tràng An, Cầu Giấy, GreenStar, AmsRunners rủ nhau gom về cho một người trong cùng khu vực sống rồi cử đại diện gửi đến nhằm đảm bảo an toàn theo nguyên tắc 5K phòng chống dịch. Ngoài ra, một số cá nhân còn góp tiền ủng hộ để mua thêm muối và gel ủng hộ tuyến đầu chống dịch.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.