Tại tòa, nguyên nữ đại biểu Quốc hội phân trần, bản thân bà rất muốn được triển khai dự án để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. “Đấy cũng là nỗi day dứt và tôi rất đau lòng. Tôi mong HĐXX trả tự do cho 9 bị cáo dưới đây. Nếu phải chịu trách nhiệm, mình tôi xin chịu… Họ đã tin tôi giống như tôi tin các lãnh đạo thành phố (Hà Nội) sẽ duyệt dự án" - bị cáo Nga nói.
Được hỏi nếu dự án được cho phép xây dựng, nguồn tiền thực hiện sẽ lấy từ đâu? Bà Nga quay người nhìn về phía các bị hại nói nghẹn ngào: "Toàn bộ tài sản của Housing, cá nhân tôi sẽ được dùng để khắc phục hậu quả, đảm bảo quyền lợi của các bị hại trong dự án... Để triển khai dự án không phải chỉ có tiền của khách hàng mà còn nhiều nguồn nữa. Giờ đề nghị bà con liên hệ với Tổng giám đốc công ty là Lê Sáu để biết thêm thông tin”.
Cận cảnh dự án B5 Cầu Diễn.
Tương tự, đại diện Housing Group khi trả lời HĐXX cũng cho biết rất muốn được tiếp tục hoàn thiện khu B5 Cầu Diễn. Vị này khẳng định: “Cách duy nhất để khắc phục thiệt hại trong vụ án là cho xây dựng dự án để trả nhà cho khách hàng. Đã có đối tác ngỏ ý hợp tác xây dựng cùng chúng tôi”.
Sau đó, chủ tọa cho biết đã để Châu Thị Thu Nga về bệnh xá trại giam vì lý do sức khỏe. Tòa tiến hành xét hỏi các đương sự nhưng rất nhiều đơn vị vắng mặt như UBND huyện Quối Oai (Hà Nội), UBND huyện Giao Thủy (Nam Định)…
Cáo trạng vụ án cho thấy, năm 2008, Châu Thị Thu Nga ký với Nguyễn Văn Tuẫn - nguyên Tổng giám đốc Cty HAIC thỏa thuận xây dựng dự án B5 Cầu Diễn. Dù dự án này chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, cấp phép xây dựng nhưng bà Nga cùng đồng phạm đã huy động vốn.
Để tạo tin tưởng, bà Nga chỉ đạo quảng cáo gian dối, lập mô hình nhà chung cư thậm chí cho thi công thí nghiệm và tổ chức khoan nhồi cọc móng. Bằng cách đó, bị cáo cùng đồng phạm đã ký 752 hợp đồng góp vốn, chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng và đã sử dụng hết, không có khả năng hoàn trả cũng như không có căn hộ để giao.